Thứ sáu,  20/09/2024

An toàn thực phẩm tại các lễ hội

Ước tính, mỗi năm ở nước ta có khoảng 8.000 lễ hội truyền thống lớn, nhỏ. Hầu hết các lễ hội diễn ra vào mùa xuân, trong đó có nhiều lễ hội dài ngày, thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và nước ngoài. Do có một lượng người rất lớn tham dự, dẫn đến nhu cầu các loại thực phẩm tăng đột biến, đi liền với đó là tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Mùa lễ hội chùa Hương (Mỹ Ðức, TP Hà Nội) năm nay dự kiến đón khoảng hơn một triệu du khách thập phương về trẩy hội. Mặc dù trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) cho các hộ kinh doanh; khám sức khỏe cho người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; ký cam kết bảo đảm ATTP đối với các hộ kinh doanh mang tính chất thời vụ… Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra ATTP tại bốn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực lễ hội vẫn có ba cơ sở bày bán thực phẩm tươi sống lẫn với thực phẩm chín ngay trước cửa quán; không tuân thủ việc bảo quản thực phẩm trong tủ chuyên dụng; xét nghiệm nhanh các mẫu bát, đĩa, phát hiện hai cơ sở vẫn còn nhiều bát đĩa được rửa không sạch…

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ATTP, để phục vụ kịp thời du khách, nhiều loại hình thực phẩm ăn uống: bún, cháo, mì, cơm, phở, bánh, xôi, oản, nước giải khát… được bày bán ngay trong các khu vực lễ hội, dẫn đến làm tăng nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðáng lo ngại, vì các lễ hội thường mang tính chất thời vụ, nhiều chủng loại thực phẩm được sản xuất, chế biến theo kiểu “cây nhà – lá vườn”, “đặc sản quê hương” cho nên khó bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP. Tại nhiều lễ hội, thức ăn, đồ uống vẫn được bày bán dọc các đường đi, lối lại, môi trường chung quanh thường xuyên bị nhiễm bụi, nắng, mưa sẽ dễ làm cho thức ăn đồ uống bị nhiễm bẩn, ôi thiu, ẩm mốc, biến chất… Ðây là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm; các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Để phòng ngừa, cũng như bảo đảm ATTP cho người dân tham dự các lễ hội, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo ban tổ chức lễ hội tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý các hộ kinh doanh thực phẩm trong và ngoài khu vực lễ hội phải bảo đảm đủ nước sạch, nơi thu gom rác thải, bảo đảm ATTP, vệ sinh chung. Yêu cầu các hộ gia đình kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm ATTP. Ban tổ chức lễ hội, các cơ quan liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tại khu vực lễ hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Thường xuyên tổ chức lấy mẫu thực phẩm, ưu tiên xét nghiệm sớm các chỉ tiêu về ATTP để sớm phát hiện các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP theo đúng quy định; đồng thời công khai các cơ sở vi phạm cho người dân và du khách được biết…

Ngành y tế cần bố trí các đội thường trực, sẵn sàng cấp cứu, điều tra, xử lý kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhằm giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng sức khỏe của người dân; tổ chức phun hóa chất, thu gom rác thải, xử lý môi trường để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm… Ðối với người dân tham dự các lễ hội, khi có nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm trong khu vực lễ hội cần lựa chọn những cơ sở có cảnh quan sạch sẽ, biển hiệu rõ ràng; thực hiện việc dán công khai các giấy tờ liên quan như: giấy phép kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở bảo đảm ATTP; giấy cam kết bảo đảm ATTP theo quy định. Khi phát hiện cơ sở nào vi phạm về ATTP, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật…

Theo Nhandan