Thứ sáu,  20/09/2024

Phát huy năng lực đội ngũ cộng tác viên dân số

Cộng tác viên dân số khối 7, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn (bên trái) tư vấn các sản phẩm kế hoạch hoá gia đình đến người dân

– Được ví như “cánh tay nối dài” của ngành dân số, cộng tác viên dân số (CTVDS) thôn, bản chính là mắt xích quan trọng, góp phần thực hiện thành công chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Thời gian qua, đội ngũ CTV DS trên địa bàn tỉnh đã hoạt động tích cực để đưa chính sách DS-KHHGĐ đến người dân.

Tháng 10/2021, chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Loan, CTVDS thôn Làng Rộng, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn tại lớp tập huấn dành cho đội ngũ CTV do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tổ chức. Chị Loan cho biết: Tôi gắn bó với công tác dân số từ năm 2006. Trung bình mỗi năm, tôi được cử đi dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ 2 lần. Các lớp tập huấn giúp tôi trang bị thêm rất nhiều kiến thức, kỹ năng để từ đó vận dụng tuyên truyền DS-KHHGĐ đến người dân một cách đúng và trúng nhất.

Chị Loan là một trong gần 1.700 CTVDS trên địa bàn tỉnh. Được biết, hầu hết các CTVDS kiêm nhiệm nhiều công việc như: nhân viên y tế thôn, bản, chi hội trưởng hội liên hiệp phụ nữ, hội chữ thập đỏ… Thời gian qua, đội ngũ CTVDS đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Nâng cao trình độ, kiến thức, bổ sung kỹ năng cho đội ngũ CTVDS là điều quan trọng góp phần thực hiện thành công chính sách DS-KHHGĐ. Hằng năm, chúng tôi đều dành sự quan tâm đến đội ngũ này. Chi cục đã mở các lớp tập huấn để cung cấp các kiến thức về công tác dân số và phát triển, chăm sóc sức khỏe sinh sản; bổ sung các kỹ năng về truyền thông, vận động người dân cho CTV DS; luôn bám sát, hỗ trợ đội ngũ làm công tác dân số ở cơ sở từ thôn, bản, khối phố đến các huyện, thành phố.

Từ năm 2016 đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức được khoảng 50 lớp tập huấn cho gần 5.000 lượt CTVDS thôn, bản về thông tin, kiến thức về chính sách DS-KHHGĐ, kỹ năng chuyên ngành, kỹ năng tuyên truyền, vận động… truyền thông lồng ghép hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm được trên 2.000 cuộc cho gần 23.000 lượt CTV DS, cán bộ chuyên trách dân số; cung cấp trên 100.000 quyển tài liệu cầm tay, cẩm nang hướng dẫn hoạt động dân số cho 100% CTV DS trên địa bàn tỉnh… Theo đó, trung bình mỗi năm, có trên 60% CTVDS được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ.

Ngoài các lớp tập huấn, bồi dưỡng, phòng dân số các huyện, thành phố đã tự thành lập nhóm Zalo ngành dân số địa phương để các CTV có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông với các CTV khác và được cập nhật nhanh nhất những nội dung các đề án, kế hoạch, chính sách DS-KHHGĐ đã được phê duyệt. Cùng đó, các CTV DS cũng tự trau dồi kinh nghiệm làm dân số qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chị Nguyễn Thị Hồng, CTV DS khối 7, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Tôi làm công tác dân số từ năm 2018, vì còn trẻ nên tôi tự nhủ muốn làm tốt thì ngoài đi tập huấn, học tập kinh nghiệm từ những người đi trước, bản thân mình phải tự trau dồi thêm kiến thức. Khi tư vấn các phương tiện tránh thai, các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ đến người dân, tôi phải đọc và nhớ thật kỹ các công dụng, cách dùng… để có thể giải đáp thắc mắc của người dân một cách nhanh nhất.

Thông qua các biện pháp trên, năng lực hoạt động của các CTV DS đã được nâng lên, nhiều CTV có cách tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách DS-KHHGĐ. Nhờ đội ngũ CTVDS “đi từng ngõ, gõ từng nhà” truyền thông, tư vấn nên từ năm 2016 đến nay, có 90% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông tin, kiến thức, tài liệu về các phương tiện tránh thai, trong đó, có 60% các cặp vợ chồng trên địa bàn mua phương tiện tránh thai; số con trung bình trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 2,38 con/phụ nữ (năm 2016) giảm xuống còn 2,13 con/phụ nữ (năm 2020); qua tuyên truyền đã có trên 60% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; trên 50% trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh…

Có thể nói, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ chung và thực hiện công tác DS-KHHGĐ nói riêng. Để công tác này ngày càng đạt kết quả cao, ngành dân số tỉnh tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng và thực hiện các nội dung liên quan để đội ngũ CTVDS trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy tốt trình độ, vai trò của mình.

DƯƠNG KIM