Thứ sáu,  20/09/2024
Khai thác, sử dụng tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống” trong nhà trường:

Kết quả và những vấn đề đặt ra

LSO-Trong 2 năm qua, việc triển khai bộ tài liệu “Bác Hồ với những bài học về đạo đức, lối sống” đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong nhà trường lên một bước mới cụ thể hơn, sâu sắc hơn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại.

Học sinh lớp 6, Trường THCS Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) trao đổi
về cuốn sách “Bác Hồ với những bài học về đạo đức, lối sống”

Sự chủ động của ngành và nhà trường

Bộ tài liệu gồm những câu chuyện rất đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng trong đó những bài học sâu sắc về giá trị đạo đức, lối sống đã được rút gọn, mang tính hệ thống và phù hợp với môn đạo đức, giáo dục công dân (GDCD) từ lớp 2 đến lớp 12.

Nếu đối với lớp 2, những câu chuyện là những bài học về sự ngăn nắp gọn gàng, sự cẩn thận chu đáo trong cuộc sống hằng ngày của Bác; thì những câu chuyện dành cho học sinh lớp 3,4,5 lại là sự quan tâm của Người đến những người xung quanh, là nếp sống giản dị, thật thà, tính kỷ luật, sự trung thực và lòng yêu thương con người. Đến cấp trung học, các câu chuyện trong tài liệu biểu hiện rõ nét lòng yêu nước thương dân, lý tưởng, sự kiên định cách mạng… biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày của Bác Hồ. Bộ tài liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chính thức đưa vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2016 – 2017.

Ngay sau khi có thông báo của Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã chỉ đạo các nhà trường đặt mua và sử dụng. Tuy vậy, ở mỗi trường, việc khai thác bộ tài liệu cũng còn ở các mức độ khác nhau.

Nhận thấy ích lợi của bộ tài liệu, ngành GD&ĐT huyện Chi Lăng đã chỉ đạo các nhà trường mua 4.191 cuốn sách cho thư viện, giáo viên và học sinh. Cô Lê Thanh Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Được giới thiệu, các em học sinh coi đây là một cuốn sách giáo khoa thứ 2 của bộ môn: Đạo đức hoặc GDCD. Vả lại giá sách không quá cao (16 ngàn đồng/cuốn), nên các em mua và sử dụng một cách có hiệu quả.

Khác với Chi Lăng, do chưa được quán triệt sâu, một số nhà trường chỉ mua cho thư viện và một số giáo viên để làm tư liệu giảng dạy lồng ghép. Vì vậy, học sinh chỉ biết câu chuyện qua bài giảng đạo đức hoặc GDCD, chưa có cuốn sách đó trong cặp của mình.

Sự năng động của đội ngũ giáo viên

Cô giáo Trương Thị Hồng Yến, giáo viên bộ môn GDCD của Trường THCS Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Từ 2 năm nay, trong các tiết giảng, tôi đều lồng ghép với các câu chuyện tương ứng trong cuốn sách. Ví dụ chủ đề “Năng suất, chất lượng, hiệu quả” của môn GDCD tương thích với bài “Ao cá Bác Hồ”; chủ đề Bảo vệ hòa bình trong GDCD, khai thác thêm bài “Cánh cửa hòa bình” trong tài liệu… Đối với các bộ môn khác, mặc dù thời lượng của chương trình khá nặng, nhiều giáo viên đã có ý thức đưa câu chuyện vào bài giảng như một minh chứng cụ thể về đạo đức, phong cách, lối sống Hồ Chí Minh; mang lại hiệu quả tốt.

Đối với cấp tiểu học, việc khai thác tài liệu hoàn toàn phụ thuộc vào giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội, Sao Nhi đồng. Ngoài việc lồng ghép vào giờ học đạo đức, những câu chuyện này còn được thực hiện ở các hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng, đưa vào chương trình rèn luyện đội viên. Cô giáo Vũ Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) cho rằng: Sự đa dạng của các chủ đề trong tài liệu xuyên suốt từ lớp 2 đến lớp 5 đã làm phong phú thêm các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Rất cần một sự đồng bộ, thống nhất

Sau 2 năm triển khai bộ tài liệu, do nhận thức của người đứng đầu chi bộ, ban giám hiệu về tầm quan trọng của tài liệu trong giảng dạy đạo đức, lối sống cho học sinh còn ở mức độ nên việc giới thiệu mua, khai thác tài liệu còn hạn chế.

Nhiều hiệu trưởng chưa thật quan tâm chỉ đạo việc mua và phổ biến tài liệu và coi nó như một cuốn sách giáo khoa dùng trong nhà trường, chưa có kế hoạch cụ thể về giảng dạy lồng ghép như một phần của kiến thức liên môn. Nhiều giáo viên, nhất là giáo viên các môn khoa học xã hội còn ngại lồng ghép vì chương trình chính đã quá “nặng”, sợ không đủ thời gian. Nhiều giáo viên chủ nhiệm chưa biết sử dụng tài liệu này trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Một số tổng phụ trách đội còn lúng túng trong khai thác, sử dụng để nâng cao chất lượng sinh hoạt và rèn luyện đội viên. Việc giới thiệu, sử dụng sách còn bị bỏ ngỏ nên có nhiều học sinh chưa được tiếp cận với cuốn sách.

Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT cần chỉ đạo sâu hơn để bộ tài liệu phải được coi như một “hợp phần” của môn giáo dục đạo đức, GDCD; được mua và sử dụng như một cuốn sách giáo khoa trong nhà trường. Cũng rất cần một sự gợi ý thời lượng, phân phối chương trình và chỉ đạo thực hiện trong các cấp học một cách thống nhất, có như vậy mới tránh được cách làm tùy tiện, “được chăng hay chớ” như hiện nay.

Đối với các nhà trường, ngoài việc chỉ đạo về chuyên môn, rất cần một kế hoạch cụ thể khai thác bộ tài liệu trong giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt tập thể như: thi kể chuyện theo sách trong giờ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn đội… một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Được như vậy, bộ tài liệu sẽ có tác dụng thiết thực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông mà Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị đã chỉ ra.

MINH HỒNG