Thứ sáu,  20/09/2024

Chú trọng phát triển cây ăn quả

(LSO) – Trong thời gian qua, bằng nhiều giải pháp, phong trào trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, không chỉ mở rộng về diện tích mà còn chú trọng phát triển sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hình thành các vùng chuyên canh trồng cây ăn quả. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Cương, thôn Hồng Châu, xã Cai Kinh (Hữu Lũng) cho biết: Với diện tích hơn 1 ha đất lân lũng, từ năm 2010, gia đình tôi trồng khoảng 100 cây na, mỗi năm cho thu gần 20 triệu đồng. Nhận thấy giá trị từ cây na, năm 2012, gia đình tôi mở rộng trồng na hết toàn bộ diện tích được gần 500 cây. Từ 2016 đến nay, từ cây na, gia đình thu hơn 100 triệu đồng/năm. Để cây na cho hiệu quả cao, gia đình tôi ký cam kết và trồng theo hướng sản xuất na an toàn. Nhận thấy giá trị từ cây ăn quả, từ 2016, gia đình tôi mở rộng trồng thêm gần 100 cây bưởi Diễn. Theo tính toán, với gần 100 cây bưởi sẽ cho thu mỗi năm từ 40 triệu đến 50 triệu đồng, góp phần nâng cao thu nhập.

Người dân xã Cai Kinh phát triển trồng bưởi diễn

Không chỉ gia đình ông Cương, trên địa bàn xã Cai Kinh phong trào trồng cây ăn quả phát triển mạnh, nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: hộ bà Nguyễn Thị Thanh, thôn Vân Tảo phát triển trồng bưởi diễn; hộ ông Nông Văn Lợi, thôn Đồng Ngầu với mô hình trồng cây na, táo đại… Theo lãnh đạo UBND xã, toàn xã hiện có trên 400 ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ yếu là na, bưởi Diễn, cam đường Canh, táo đại. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn xã trồng mới được gần 11 ha cây ăn quả các loại, trong đó, cây táo đại nhiều nhất với diện tích 5 ha.

Phong trào trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Hữu Lũng phát triển mạnh, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện trồng mới được gần 220 ha, vượt 93,5% kế hoạch, với các loại cây chủ yếu như: na, dứa, bưởi, táo, nhãn. Qua đó, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên gần 5.000 ha.

Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để phát triển cây ăn quả, huyện hỗ trợ giống, phân bón, thực hiện các mô hình trồng cây ăn quả gắn với xây dựng nông thôn mới; mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho người dân. Từ đầu năm 2018 đến nay, phòng tổ chức tập huấn được 62 lớp, cấp phát tài liệu cho gần 3.000 lượt người.

Không chỉ mở rộng về diện tích trồng, huyện Hữu Lũng còn tập trung phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, trong năm 2018, huyện hỗ trợ 500 triệu đồng (bằng nguồn phân bổ của tỉnh) để thực hiện dự án trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nhật Tiến với diện tích 25 ha; phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh triển khai mô hình thâm canh dứa VietGAP, diện tích 30 ha tại xã Minh Sơn, Minh Hòa; phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện dự án trồng 30 ha táo đại theo tiêu chuẩn VietGAP tại 3 xã: Cai Kinh, Đồng Tân, Nhật Tiến. Với việc phát triển mạnh trồng cây ăn quả, hiện trên địa bàn huyện đã và đang hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung như: vùng trồng na ở các xã: Yên Vượng, Yên Thịnh, Yên Sơn, Hòa Lạc; vùng trồng bưởi Diễn, cam, táo đại ở các xã: Nhật Tiến, Minh Tiến, Đồng Tân, Tân Thành, Cai Kinh; dứa ở Minh Sơn, Minh Hòa…

Không chỉ Hữu Lũng, phong trào trồng cây ăn quả phát triển mạnh ở nhiều huyện khác trong tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có trên 16.000 ha cây ăn quả các loại, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh trồng mới được gần 600 ha cây ăn quả các loại, vượt 57,5% kế hoạch. Trong đó, một số huyện trồng nhiều như: Hữu Lũng 212,9 ha, Tràng Định 110,8 ha, Bắc Sơn 82,1 ha, Bình Gia 60,5 ha. Cây ăn quả được chú trọng phát triển, đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả như: vùng trồng na ở Chi Lăng, Hữu Lũng; vùng quýt Bắc Sơn, Bình Gia, Tràng Định; vùng hồng Bảo Lâm, Cao Lộc diện tích trên 500 ha… Ngoài ra, các huyện chú trọng phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP với các loại cây có thế mạnh như: na, quýt, hồng, với diện tích trên 300 ha.

Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, để phong trào trồng cây ăn quả tiếp tục phát triển hơn nữa, sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về phát triển các sản phẩm chủ lực, trong đó có cây ăn quả. Đồng thời, sở chỉ đạo, phối hợp với cơ quan chuyên môn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất gắn với đổi mới hình thức sản xuất, có sự tham gia của doanh nghiệp. Qua đó, hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển các cây ăn quả chủ lực (na, quýt, hồng Bảo Lâm, hồng Vành Khuyên); chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.

ĐỖ HOẠT