Thứ sáu,  20/09/2024

Bình Gia: Phát triển chăn nuôi

(LSO) – Tận dụng các lợi thế như: bãi chăn thả rộng, nhiều đồng cỏ tự nhiên…, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Qua đó, thúc đẩy phong trào chăn nuôi phát triển, giúp người dân tăng thu nhập.

Gia đình bà Hoàng Thị Thảo, thôn Nà Ngùa, xã Hồng Thái là hộ tiêu biểu trong chăn nuôi bò thương phẩm. Với kinh nghiệm chăn nuôi hàng chục năm, năm 2017, gia đình bà đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi bò vỗ béo, trong chuồng luôn duy trì 30 – 40 con. Mỗi năm, từ bán bò, gia đình bà thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, gia đình đã bán 40 con bò, thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Bà Thảo cho biết: Ở đây có điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi trâu, bò như: bãi chăn thả và đồng cỏ rộng, nhiều gia đình tích cực trồng cỏ voi… Mỗi con trâu, bò trưởng thành hiện có giá hơn 20 triệu đồng nên bà con có thể làm giàu từ chăn nuôi. Đặc biệt, việc chăn nuôi trâu, bò theo hình thức vỗ béo hoặc bán chăn thả cho thu nhập khá cao do rút ngắn được thời gian, chi phí thấp. Mỗi con trâu, bò gầy, nhỏ sau 2 – 4 tháng vỗ béo là có thể xuất bán, trừ chi phí lãi 2 – 3 triệu đồng/con.

Mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình bà Hoàng Thị Thảo, thôn Nà Ngùa, xã Hồng Thái

Ông Lương Hoàng Đựng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Từ năm 2015 trở lại đây, phong trào chăn nuôi của xã ngày càng phát triển. Hiện ngoài các hộ chăn nuôi bán chăn thả, toàn xã có 10 hộ phát triển chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo. Từ chăn nuôi, đời sống người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Để chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thay đổi, cải tiến phương thức chăn nuôi; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt; vận động người dân nhân rộng diện tích cỏ voi phục vụ chăn nuôi…

Phong trào phát triển chăn nuôi không chỉ được chú trọng ở xã Hồng Thái mà còn phát triển ở các xã khác trong toàn huyện. Đến nay, tổng đàn gia súc và gia cầm toàn huyện là hơn 400 nghìn con. Trong đó: đàn trâu 15.307 con, đàn bò 3.471 con, đàn lợn 23.042 con còn lại là đàn gia cầm, phát triển nhiều ở các xã: Thiện Hòa, Quang Trung, Thiện Thuật, Tân Văn, Tô Hiệu, Hồng Phong…  Năm 2018, trên địa bàn huyện đã thành lập được 1 trang trại chăn nuôi, ngoài ra, ở tất cả các xã, trung bình đều có từ 4 – 5 hộ phát triển phong trào chăn nuôi hàng hóa với quy mô trên 10 con/lứa.

Từ đầu năm 2018 đến nay,  các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện xuất chuồng hơn 43.000 con gia súc, hơn 330.000 con gia cầm với sản lượng thịt hơi hơn 4.200 tấn, đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi nói riêng và toàn huyện nói chung. Hiện nay, đầu ra cho chăn nuôi tương đối ổn định khi thương lái tìm đến tận nhà mua gia súc, gia cầm cho bà con.

Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trong những năm qua, mặc dù chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường song đàn vật nuôi trên địa bàn huyện vẫn duy trì ổn định và phát triển. Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi; hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi (từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền lồng ghép được 76 cuộc, với 2.613 lượt người tham dự); tập trung phát triển giống vật nuôi hiệu quả kinh tế cao như: bò lai Sind, lợn hướng nạc, gia cầm siêu thịt, siêu trứng…

Bên cạnh đó, để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm tốt công tác tiêm phòng. Từ đầu năm đến nay, đã có 21.767 con gia súc, gia cầm được tiêm phòng; kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm được 838 con, kiểm soát giết mổ được 1.271 con… Nhờ đó, trên địa bàn huyện chỉ xuất hiện một vài bệnh lẻ tẻ trên đàn gia súc, gia cầm và đã kịp khống chế ngay, không để phát sinh thành dịch.

Từ sự quan tâm, định hướng và chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành chức năng cùng sự chủ động, nỗ lực của người dân, phong trào phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực, người dân từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 29,5 triệu đồng/người/năm, tăng 11,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.

KIM HUYÊN