Thứ sáu,  20/09/2024

Đẩy mạnh chương trình cho vay nước sạch nông thôn

(LSO) – Những năm qua, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&VSMT) từng bước góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân. Từ ngày 25/9/2018, chương trình vốn tăng mức vay từ 6 lên 10 triệu đồng/công trình. Vì vậy, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh cùng các tổ chức hội đã tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh cho vay nhằm cải thiện môi trường ở các vùng nông thôn.

Gia đình bà Hoàng Thị Dậu, thôn An Dinh 1, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc trước đây chỉ có nhà tắm tạm bợ, mọi sinh hoạt đều phải dùng nước giếng. Đầu năm nay, bà đã vay 12 triệu đồng để xây nhà vệ sinh và công trình cung cấp nước sạch. Cùng với số tiền tiết kiệm được, gia đình bà xây công trình khép kín gồm: nhà tắm, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Bà Dậu phấn khởi cho biết: Nhờ vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình tôi có nước sạch, công trình vệ sinh khép kín nên mọi sinh hoạt tiện lợi hơn trước.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình bà Hoàng Thị Dậu, thôn An Dinh 1, Tân Liên (Cao Lộc) đầu tư xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh

Không chỉ gia đình bà Dậu, từ khi triển khai chương trình cho vay của NHCSXH (năm 2004) đến nay, toàn tỉnh đã có gần 70 nghìn công trình NS&VSMT nông thôn được xây dựng, cải tạo đạt chuẩn quốc gia, môi trường ở các vùng quê nhờ đó từng bước cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hộ dân chưa được sử dụng nước sạch, nhiều gia đình thiếu bể chứa nước, ống dẫn nước, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi chưa hợp vệ sinh…

Từ thực tế đó, để tiếp tục góp sức cải thiện môi trường nông thôn, thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, NHCSXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch xin cấp bổ sung vốn từ cuối năm 2017. Năm 2018, tỉnh được phân bổ thêm 5 tỷ đồng vốn chương trình. Trên cơ sở nhu cầu, kế hoạch từ các phòng giao dịch huyện, chi nhánh tỉnh đã phân bổ nguồn vốn cho các huyện: Cao Lộc 1 tỷ đồng, Đình Lập 1 tỷ đồng, Bắc Sơn 2 tỷ đồng, Hữu Lũng 1 tỷ đồng.

Để giải ngân và quản lý tốt nguồn vốn chương trình này, NHCSXH tỉnh tăng cường phối hợp cùng các tổ chức hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, tích cực tuyên truyền, giải ngân và đôn đốc thu nợ. Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Chi nhánh đã chỉ đạo cán bộ ngân hàng và các hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền về mức cho vay mới, đối tượng thụ hưởng, thời hạn, mục đích sử dụng vốn cho các hộ vay. Qua đó giúp các hộ dân nắm được mức cho vay mới là 10 triệu đồng/công trình (tăng 4 triệu đồng/công trình so với mức cũ), tối đa mỗi hộ được vay 20 triệu đồng cho 2 công trình là công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn kể từ ngày 25/9/2018. Theo đó, đối tượng được vay vốn gồm cả những hộ từng sử dụng vốn lần một nhưng công trình chưa đạt chuẩn, hoặc đã hư hỏng…

Bà Hoàng Thị Lê, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Liên, huyện Cao Lộc cho biết: Trên địa bàn xã  còn rất nhiều hộ dân chưa có bể chứa nước, công trình nhà vệ sinh… Nguyên nhân không có vốn và nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường còn hạn chế. Chính vì vậy, hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, vai trò của chương trình vốn này trong việc cải thiện nước sạch, vệ sinh môi trường ở các hộ dân, thôn, bản. Đến nay, nhiều hộ đã đăng kí vay vốn. Hội đã kiểm tra thực tế tình hình các công trình để xem xét đề nghị cho vay, hướng dẫn hồ sơ và cách sử dụng vốn đúng mục đích, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, có hiệu quả.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, doanh số cho vay từ đầu năm đến nay là 53,9 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ chương trình NS&VSMT lên 228,764 tỷ đồng, tăng 5,2 tỷ đồng so với năm 2017 với 19.550 lượt hộ vay. Để phát huy hiệu quả chương trình vốn, cùng với đẩy mạnh cho vay, các phòng giao dịch huyện tích cực rà soát, đối chiếu nợ đến hạn, đôn đốc thu nợ, thu lãi. Với doanh số thu nợ từ đầu năm đến nay hơn 48 tỷ đồng, ngân hàng tăng cường cho vay mới, tiếp tục góp phần đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh.

KIM HUYÊN