Thứ sáu,  20/09/2024

Hiệu quả từ mô hình khuyến nông

(LSO) – Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phát huy tốt vai trò “cầu nối” khoa học kỹ thuật, trao “cần câu”- là những kiến thức mới để người dân áp dụng vào thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị bền vững.

Bà Nông Thị Thảo, thôn Còn Nưa, xã Tân Văn, huyện Bình Gia, trước đây thuộc diện hộ nghèo. Gia đình bà đã phát triển chăn nuôi được khoảng 15 năm nhưng chủ yếu theo phương thức truyền thống nên hiệu quả không cao. Từ năm 2016, thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao; nhận thấy hiệu quả kinh tế, từ đó, đến nay, gia đình bà duy trì và phát triển đàn bò theo hướng nuôi vỗ béo đem lại hiệu quả thiết thực.

Bà Thảo cho biết: Trước đây, bình quân mỗi lứa, tôi chỉ nuôi 2 con bò và phải mất một năm mới được xuất bán, hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2016, áp dụng mô hình chăn nuôi vỗ béo bò thịt, trung bình mỗi năm, tôi nuôi được  2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 4 con. Sau khi trừ chi phí, thu nhập khoảng 40-50 triệu đồng, hiệu quả hơn nhiều lần so với trước đây. Nhờ đó, gia đình tôi thoát nghèo, có điều kiện sửa sang nhà cửa, chuồng trại để tái đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi.

Người dân xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc thu hái hồng không hạt Bảo Lâm (mô hình áp dụng biện pháp thâm canh do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai)

Ngoài gia đình bà Thảo, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hộ gia đình thoát nghèo hoặc vươn lên có kinh tế khá nhờ phát triển các mô hình kinh tế, vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật được chuyển giao từ các mô hình khuyến nông.

Để có được những kết quả đó, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình mới, điển hình, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn, có tính ứng dụng cao…để triển khai thực hiện. Với mỗi mô hình cụ thể, cán bộ khuyến nông chủ động kiểm tra, đôn đốc tiến độ, thậm chí “cầm tay, chỉ việc” để người dân thực hành theo nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện được gần 20 mô hình khuyến nông. Trong đó, có nhiều mô hình  được người dân duy trì và phát triển tốt như: chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học; sản xuất rau an toàn; vỗ béo bò thịt; chăn nuôi gà J-Dabaco; thâm canh cây hồi bền vững; trồng giống lúa thuần chất lượng cao; trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình vỗ béo trâu…

Cùng với việc quan tâm, phát triển mô hình khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm, trung tâm tổ chức khoảng 1.000 cuộc tập huấn cho khoảng 40.000 lượt người tham dự.

Nhờ các giải pháp thiết thực, cụ thể kết hợp với cách thức truyền đạt dễ hiểu nên từ các mô hình khuyến nông, bà con dần thay đổi phương thức sản xuất, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để duy trì và mở rộng mô hình kinh tế ngay cả khi mô hình khuyến nông đã kết thúc.

Ông Hoàng Văn Đảy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân duy trì, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường bám sát cơ sở để hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình; tạo điều kiện để các hộ nghèo được tiếp cận với kiến thức khoa học kỹ thuật; giúp người dân nắm vững quy trình sản xuất, đặc biệt là hướng tới sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn…

NGUYỄN PHƯƠNG