Thứ sáu,  20/09/2024

Hiệu quả mô hình liên kết trồng dược liệu

(LSO) – Thời gian qua, các mô hình liên kết trồng cây dược liệu của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, điển hình trong đó phải kể đến mô hình của HTX Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc.

Là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã hơn 10 năm, những năm trước đây, HTX Hợp Thịnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chăn nuôi lợn. Nhận thấy điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu cũng như nhu cầu tiêu thụ lớn của thị trường, cuối năm 2016, HTX chính thức bắt tay vào phát triển cây dược liệu. Có thị trường, có vật tư, song cái thiếu của HTX là đất canh tác.

Để khắc phục điều này, HTX đã chủ động liên kết với các HTX, THT khác để trồng cây dược liệu. Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình trồng cây dược liệu của HTX không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX mà còn đem lại thu nhập cao, ổn định, bền vững cho các thành viên ở các HTX, THT nông nghiệp khác. Câu chuyện ở THT trồng nghệ xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc là một ví dụ.

Thu hoạch nghệ đen ở thôn Còn Quyền, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc

Năm 2018, THT trồng nghệ đen Hồng Phong liên kết với HTX Hợp Thịnh để trồng cây nghệ đen trên diện tích hơn 2,2 ha với 22 hộ dân tham gia. Đến thời điểm này, diện tích nghệ bắt đầu cho thu hoạch và hiệu quả kinh tế rõ nét.

Ông Hoàng Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Kết quả thu hoạch của một số hộ trồng nghệ cho năng suất từ 1 đến 1,5 tấn/sào. Với giá thu mua 7.000 đồng/kg, mỗi sào nghệ thu về từ 7 đến 10,5 triệu đồng/sào, trừ chi phí lãi khoảng 4 – 6 triệu đồng/sào.

Không chỉ cho thu nhập cao hơn trồng lúa mà các hộ trồng nghệ của THT còn rất yên tâm phát triển sản xuất, bởi mọi khâu khác đã có HTX lo. Ông Đồng Sỹ Tiến, thôn Còn Quyền là một trong những hộ có diện tích trồng nghệ lớn nhất trong THT cho biết: Gia đình tôi có 6 sào trồng nghệ, trước đây, diện tích đất này chủ yếu trồng lúa, ngô. Khi chuyển sang trồng nghệ đen, HTX Hợp Thịnh cung ứng cây giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, người dân chỉ cần bỏ công sức ra chăm sóc mà thu nhập vẫn cao hơn nhiều so với trồng lúa, trồng ngô.

Với cách làm tương tự, HTX Hợp Thịnh đã liên kết với các hộ dân thôn Yên Thủy 2, xã Yên Trạch để xây dựng mô hình trồng cây hoàn ngọc với diện tích 1,5 ha. Mỗi năm, cây cho thu hoạch 2 vụ, với giá thu mua ổn định 4.000 đồng/kg, tính ra trung bình mỗi năm cây hoàn ngọc đem về thu nhập khoảng 6 triệu đồng/sào. Không những vậy, loại cây này trồng một lần nhưng cho thu hoạch 7 năm, như vậy, người trồng không phải mất thêm chi phí cho cây giống mà chỉ tập trung chăm sóc.

Trong hơn 2 năm qua, HTX Hợp Thịnh đã liên kết với nhiều HTX, THT, các nhóm hộ để từng bước mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu.

Bà Lý Bích Linh, Giám đốc HTX Hợp Thịnh cho biết: Đến nay, HTX đã liên kết sản xuất cây dược liệu với 15 HTX, THT trên địa bàn các huyện: Bắc Sơn, Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình, Tràng Định… với tổng diện tích trên 40 ha. Các loại cây dược liệu chính được trồng như: cà gai leo 16 ha; nghệ các loại 20 ha; hoàn ngọc 2 ha; đương quy 3 ha; hà thủ ô đỏ 2 ha…

Để tạo thuận lợi cho người nông dân, HTX chủ động hỗ trợ cây giống, phân bón phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, việc liên kết sản xuất cây dược liệu đã giúp HTX tăng  thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cụ thể: năm 2018, doanh thu từ cây dược liệu của HTX được trên 1 tỷ đồng và năm 2019 dự kiến doanh thu khoảng 7 tỷ đồng.

Với kết quả từ mô hình trồng cây dược liệu, cả người đứng ra tổ chức và người trực tiếp sản xuất đều tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất. Mô hình liên kết trồng cây dược liệu đang trở thành điểm sáng trong phát triển sản xuất, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

TÂN AN