Thứ sáu,  20/09/2024

Chí Minh: Triển vọng từ cây mía

(LSO) – Với những ưu điểm như: chi phí đầu tư thấp, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, cây ít bị sâu bệnh… nhiều hộ dân xã Chí Minh, huyện Tràng Định đã chuyển đổi những diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây mía, bước đầu đem lại thu nhập cao.

Những ngày giữa tháng 2/2019, chúng tôi có dịp đến thôn Lũng Phầy, nơi có 100% số hộ tham gia trồng mía. Trên những cánh đồng, người dân đang khẩn trương thu hoạch để chuẩn bị xuất bán.

Gia đình ông Nguyễn Văn Toán, thôn Lũng Phầy là hộ đầu tiên trồng cây mía trên địa bàn (từ năm 2013). Ban đầu, ông trồng thử nghiệm với diện tích ít, thấy hiệu quả nên từ năm 2016 đến nay, mỗi vụ gia đình ông duy trì diện tích trên 1 ha, hằng năm thu hoạch trên 80 tấn mía, thu nhập khoảng 80 triệu đồng.

Ông Toán cho biết: Khi mới chuyển sang trồng mía, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn trong khâu chọn giống và chăm sóc. Nhưng được sự quan tâm và chỉ đạo của chính quyền xã, sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng cùng sự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm qua mạng, gia đình tôi đã ứng dụng thành công quy trình trồng chăm sóc mía.

Người dân xã Chí Minh thu hoạch mía

Được biết, mô hình trồng mía ở thôn Lũng Phầy do ông Nguyễn Văn Toán làm tổ trưởng được thực hiện trên diện tích 21 ha, với 44/44 hộ tham gia. Năm 2018, mô hình thu hoạch được khoảng 1.600 tấn mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy, thu về hơn 1,6 tỷ đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân.

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng mía ở thôn Lũng Phầy, năm 2018, người dân ở một số thôn khác trên địa bàn xã đã đưa cây mía vào trồng như thôn: Cốc Toòng, Pác Bó… từ đó, nâng diện tích trồng mía toàn xã đạt gần 30 ha. Để nâng cao chất lượng cũng như giúp bà con yên tâm sản xuất, tháng 1/2018, xã thành lập Hợp tác xã Hữu Hiệu, chuyên trồng mía.

Chị Nông Thị Hiệu, Giám đốc Hợp tác xã Hữu Hiệu cho biết: Hợp tác xã thành lập với 7 thành viên tham gia trồng gần 5 ha mía. Tham gia hợp tác xã, các thành viên sản xuất tập trung hơn và có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà máy chế biến ở Cao Bằng nên bà con yên tâm phát triển sản xuất. Hiện nay, cây mía đã bắt đầu cho thu hoạch, mặc dù mới là vụ đầu tiên nhưng cây phát triển tốt, dự kiến sản lượng đạt trên 300 tấn. Năm 2019, hợp tác xã sẽ mở rộng thêm 5 ha.

Được biết, cây mía đưa vào trồng là giống mía Roc 22, do Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng cung ứng. Đây là giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở xã. Người dân cho biết, cây mía rất dễ trồng và chăm sóc, một năm chỉ cần vun xới 2 lần, sau 3 tháng trồng thì tước bẹ. Đặc biệt, mía trồng một năm có thể thu hoạch 2 – 3 năm mới cần trồng lại. Năng suất năm đầu tiên đạt từ 70 – 80 tấn/ha; đến năm sau có thể đạt trên 80 tấn/ha.

Để khuyến khích người dân trồng mía, Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng cam kết thu mua toàn bộ mía nguyên liệu cho các hộ dân ký hợp đồng từ đầu vụ, với giá từ 800 nghìn đồng – 1 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ người dân về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con trong xã.

Ông Nông Trung Học, Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết: Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân đưa cây mía vào trồng trên diện tích đất kém hiệu quả, đem lại thu nhập cao. Thực tế, trồng mía đem lại thu nhập cao gấp 2 – 3 lần so với trồng ngô, sắn, qua đó giúp nhiều hộ thoát nghèo, làm giàu.

“Xác định mía là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ở các thôn khác trồng mới và mở rộng diện tích, từng bước giúp bà con nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo” – Chủ tịch UBND xã Nông Trung Học cho biết thêm.

KIM HUYÊN