Thứ sáu,  20/09/2024

Hội Nông dân Đình Lập: Hiệu quả từ vốn chính sách

(LSO) – Những năm qua, Hội Nông dân huyện Đình Lập đã làm tốt công tác quản lý nguồn vốn được ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện, tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững trên chính mảnh đất quê hương.

Bà Lý Thị Hương, thôn Khe Phạ, xã Bắc Lãng cho biết: Năm 2006, tôi vay 7 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng rừng keo. Năm 2012, rừng bắt đầu cho thu hoạch. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, tôi đăng ký vay thêm vốn để mở rộng diện tích rừng trồng. Hiện gia đình có 11 ha keo. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Thu hoạch đến đâu, tôi trồng mới đến đó. Năm 2017, gia đình tôi đã thoát nghèo và xây dựng được nhà cửa khang trang.

Ngoài gia đình bà Hương,  trên địa bàn huyện Đình Lập còn  nhiều gia đình hội viên nông dân nhờ vay vốn từ NHCSXH đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu với thu nhập bình quân từ 200 đến 400 triệu đồng/hộ/năm. Tiêu biểu như các hộ: ông Hoàng Văn Phong, thôn Kéo Khuế, xã Đình Lập (gieo ươm cây giống lâm nghiệp); bà Chu Thị Đào, khu 1 thị trấn Nông trường Thái Bình (vườn, ao, chuồng); bà Vi Thị Dung, thôn Nà Van, xã Châu Sơn (trồng rừng và bán hàng tạp hóa); ông Vi Văn Phầm, thôn Tiên Phi, xã Bính Xá (trồng rừng, nuôi cá); bà Nguyễn Thị Đăng, thôn Xưởng, xã Lâm Ca (sản xuất chè); ông Hoàng Văn Hồng, khu 5, thị trấn Đình Lập (trồng rừng)…

Người dân xã Đình Lập, huyện Đình Lập sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển chăn nuôi dê

Hiện nay, Hội Nông dân huyện quản lý 28 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với dư nợ gần 34 tỷ đồng cho 767 hộ vay. Từ nguồn vốn chính sách, các hội viên vay vốn đều có ý thức sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Các hộ vay chủ yếu đầu tư mở rộng trồng rừng thông, keo, bạch đàn và chăn nuôi: lợn, dê, gà… theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ông Hoàng Duy Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Để làm tốt công tác ủy thác vốn vay từ NHCSXH huyện, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và phát động phong trào thi đua của hội gắn với thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác với NHCSXH; đẩy mạnh tuyên truyền đến hội viên nông dân về các chính sách tín dụng cho vay ưu đãi của Chính phủ và các quyền lợi, nghĩa vụ của người vay; phân công mỗi cán bộ hội phụ trách 2 xã, thị trấn để nắm tình hình; đôn đốc, hướng dẫn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV…

Đồng thời, hằng năm, cán bộ tổ chức huyện hội và hội cơ sở, các trưởng thôn, tổ trưởng tổ TK&VV đều tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý, sử dụng vốn vay do NHCSXH huyện tổ chức. Cùng với đó, huyện hội tuyên truyền, vận động hội viên tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để có kiến thức áp dụng vào sản xuất, phát huy hiệu quả vốn vay. Chỉ riêng năm 2018, đã có hơn 2 nghìn lượt hội viên nông dân tham dự gần 90 lớp tập huấn do huyện tổ chức.

Bên cạnh đào tạo, tập huấn, hội duy trì tốt công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn; chỉ đạo các hội cơ sở nhận ủy thác kiểm tra 100% tổ TK&VV. Trong năm 2018, hội kiểm tra 15 tổ TK&VV; 76 hộ vay… Qua kiểm tra, các tổ TK&VV đều thực hiện đúng các công đoạn ủy thác với ngân hàng; các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; có ý thức hoàn trả vốn đúng kỳ hạn.

Ông Bùi Sỹ Ba, Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: Hội Nông dân huyện luôn thực hiện tốt các công đoạn nhận ủy thác với NHCSXH huyện; triển khai tốt các chương trình của ngân hàng; nguồn vốn được giải ngân nhanh, đúng đối tượng. Năm 2018, số tổ hoạt động đạt chất lượng tốt của hội chiếm 75%, còn lại là số tổ hoạt động khá, không có tổ hoạt động trung bình và kém. Trong quá trình quản lý vốn không có nợ xấu, nợ quá hạn….

Nhờ hiệu quả nguồn vốn, đời sống của hội viên nông dân huyện Đình Lập từng bước được nâng cao. Năm 2018, toàn huyện có 288 hội viên nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (tăng 78 hộ so với năm 2017); giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 22,98 % (giảm 6,5% so với năm 2017).

NGUYỄN PHƯƠNG