Thứ sáu,  20/09/2024

Phát triển kinh tế tập thể: Bước chuyển ở Tràng Định

(LSO) – Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, lĩnh vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Tràng Định đã có nhiều chuyển biến rõ nét.

Cách đây 3 năm, trên địa bàn huyện Tràng Định chỉ có 1-2 HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp duy trì hoạt động, còn lại các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp thì gần như dừng hẳn. Tuy nhiên hơn 2 năm trở lại đây, các HTX trên địa bàn huyện (chủ yếu là các HTX nông nghiệp) lại có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng hoạt động.

Anh Lương Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Mu Hom, xã Kháng Chiến cho biết: Năm 2017, HTX thành lập với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là chăn nuôi lợn thịt (lợn rừng lai chăn thả tại đồi). Với lợi thế đồi rừng, chủ động thức ăn cộng với việc chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm của các thành viên trong HTX nên tổng đàn phát triển nhanh chóng. Ban đầu HTX có hơn 100 con gồm cả lợn nái và lợn thịt, đến nay, tổng đàn lên tới trên 400 con. Tháng 8/2018, HTX bắt đầu bán lợn thịt và tính đến nay, doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng. Không dừng lại ở việc bán lợn thịt, dự kiến đầu tháng 4/2019, HTX sẽ mở nhà hàng tại thành phố Lạng Sơn với tất cả các món được chế biến từ lợn thịt do HTX trực tiếp nuôi. Qua đó không chỉ tạo chuỗi giá trị khép kín mà HTX còn muốn đưa những sản phẩm thịt lợn chất lượng, an toàn đến tận bàn ăn của người tiêu dùng.

Chăm sóc lợn thịt ở HTX Mu Hom, xã Kháng Chiến

Chưa đem lại kết quả ngay như HTX Mu Hom song HTX Nông lâm sản xã Cao Minh đang có những bước phát triển đúng hướng, qua đó mở ra triển vọng rất lớn trong phát triển kinh tế cho người dân trong xã.

Ông Hồ Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: Năm 2018, HTX Nông lâm sản Cao Minh được thành lập với tiền thân là các tổ hợp tác trồng quế trên địa bàn. Cây quế phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại đây nên phát triển tốt, một số hộ đã có thu nhập từ 50 -100 triệu đồng từ cây quế. Để giúp HTX vươn lên phát triển, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của nhà nước, xã hỗ trợ để HTX mua cây giống mở rộng diện tích. Đến nay, diện tích quế của cả xã trên 500 ha và dự kiến khoảng 2 – 3 năm nữa sẽ cho thu hoạch với diện tích lớn.

Cùng với 2 HTX kể trên, thời gian qua, một số HTX khác trên địa bàn huyện Tràng Định cũng đã phát huy được tiềm năng, lợi thế vùng miền để tập trung đầu tư, phát triển. Điển hình như HTX Dũng Tiến, xã Quốc Khánh với mô hình trồng chanh leo; HTX Hữu Hiệu, xã Chí Minh với mô hình trồng mía; HTX nông lâm sản Tràng Định…Bên cạnh nâng cao chất lượng hoạt động thì số lượng các HTX cũng tăng lên đáng kể. Tính riêng năm 2018, trên địa bàn huyện đã có 8 HTX thành lập mới với 91 thành viên, nâng tổng số HTX trên địa bàn lên con số 16. Thu nhập bình quân của các thành viên, người lao động trong HTX từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó hiện nay trên địa bàn có 39 tổ hợp tác với 303 thành viên.

Để có được những kết quả đó, huyện Tràng Định đã triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động, hỗ trợ tạo điều kiện giúp các HTX phát triển. Bà Hướng Thị Thêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Hằng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật HTX năm 2012, các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, huyện triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX như: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất cho các HTX…

Với sự nỗ lực vươn lên của các HTX cùng sự quan tâm của huyện, xã, lĩnh vực kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện Tràng Định đã có chuyển biến rõ nét. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn mà còn góp phần quan trọng trong xây dựng chuỗi liên kết để nâng cao giá trị nông sản cho người dân.

ĐÌNH QUYẾT