Thứ sáu,  20/09/2024
Hồng không hạt Bảo Lâm rụng quả:

Cần liều thuốc đặc trị

LSO- Thời gian qua, hiện tượng hồng không hạt Bảo Lâm trên địa bàn huyện Cao Lộc bị rụng quả nhiều với tỉ lệ quả rụng từ 30% – 80%, khiến nhiều hộ trồng hồng không khỏi lo lắng. Bởi tình trạng quả rụng không chỉ khiến các hộ gia đình thất thu mà hiện vẫn chưa có biện pháp đặc trị.


Cây hồng Bảo Lâm của người dân xã Hòa Cư bị rụng quả chỉ còn trơ cành, lá

Hồng rụng quả liên tục nhiều năm

Tại vườn hồng của gia đình ông Hứa Văn Sỉnh, thôn Co Cam, vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn hồng, ông vừa xuýt xoa: Thời điểm này năm trước, cây nào cây nấy quả sai trĩu cành, nhiều cành phải dùng cây để chống cho đỡ gẫy. Nhưng năm nay, cây hồng chỉ lưa thưa quả, bởi quả rụng rất nhiều. Quả hồng rụng  chiếm khoảng 60%, có những cây quả rụng đến 80%. Hồng rụng quả bắt đầu từ tháng 5 đến nay, rụng nhiều nhất là vào thời điểm sau mỗi trận mưa. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn huyện, tôi đã phun thuốc, bón phân theo hướng dẫn nhưng không khắc phục được tình trạng quả rụng. Mấy năm trở lại đây, năm nào cũng có tình trạng hồng rụng quả nhưng năm nay tỉ lệ quả rụng nhiều hơn.

Hòa Cư là xã có diện tích trồng hồng không hạt Bảo Lâm nhiều nhất huyện với gần 80 ha. Ông Hoàng Văn Lương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hồng không hạt Bảo Lâm là cây trồng chủ lực của xã. Năm 2018, thu nhập từ cây hồng đạt khoảng 7 tỷ đồng. Vụ hồng năm nay, quả rụng nhiều, từ 50% đến 80%. Trước tình trạng hồng rụng quả, xã báo cáo phòng chuyên môn huyện, phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người dân về quy trình, biện pháp trồng, chăm sóc cây, hạn chế sự gây hại của sâu bệnh.

Tại xã Lộc Yên, tình trạng hồng rụng quả xảy ra tương tự như ở xã Hòa Cư. Theo ông Lộc Văn Phú, Chủ tịch UBND xã, toàn xã có 71 ha hồng, hiện nay, tỉ lệ hồng rụng quả từ 60% – 70%. Để trồng hồng đạt hiệu quả cao, xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho cây. Tuy vậy, hiện chưa khắc phục được tình trạng rụng quả.

Chưa có biện pháp đặc hiệu

Hồng không hạt Bảo Lâm được trồng trên địa bàn 9 xã, thị trấn của huyện Cao Lộc với diện tích trên 400 ha. Theo ông Vũ Kỳ Nam, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, tình trạng hồng rụng quả diễn ra trên địa bàn các xã, thị trấn trồng hồng của huyện. Tỉ lệ quả rụng từ 30% đến 80%. Nguyên nhân chính do thời tiết diễn biễn phức tạp, nắng, mưa xen kẽ làm cây bị sốc ngoại cảnh do nhiệt độ và ẩm độ thay đổi đột ngột; bệnh thán thư gây hại; chế độ chăm sóc: bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh không đúng quy trình.

Việc hồng rụng quả xảy ra từ vài năm trở lại đây, mặc dù cơ quan chuyên môn huyện triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, phối hợp với một số cơ quan của tỉnh như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, một số cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên để nghiên cứu, tìm giải pháp nhưng đến nay chưa khắc phục được.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, ngoài việc trồng, chăm sóc theo quy trình, sẽ thí điểm tỉa cành, quả trên cây tại 2 điểm thuộc địa bàn xã Hòa Cư để tìm phương pháp khắc phục.

Tình trạng hồng rụng quả diễn ra trong vài năm trở lại đây  không chỉ khiến nhiều hộ dân thất thu, thiệt hại về kinh tế mà việc phát triển hồng không hạt Bảo Lâm đang trước nguy cơ khó bền vững. Vì vậy, cần sớm có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng trên.

ĐỖ HOẠT