Thứ sáu,  20/09/2024

Phát triển măng Bát độ ở Hữu Lũng: Hiệu quả từ liên kết sản xuất

(LSO) – Hữu Lũng là huyện trồng măng Bát độ lớn nhất trong tỉnh, với diện tích trên 165 ha. Để nâng cao giá trị sản phẩm, huyện kết nối doanh nghiệp với người dân, từ đó tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, tạo thuận lợi cho phát triển vùng trồng măng.

Từ trồng măng Bát độ với diện tích khoảng 1 ha, 2 năm trở lại đây, gia đình ông Lương Văn Nam, thôn Kép 1, xã Quyết Thắng có thu nhập 100 triệu đồng/năm. Để có được kết quả đó, ông được huyện, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Công ty G.O.C) Bắc Giang hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật để phát triển trồng tre măng. Ông Nam phấn khởi cho biết: Tôi trồng tre măng Bát độ từ năm 2013, lúc đầu tôi trồng hơn 1 sào. Sau đó, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản măng do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Công ty G.O.C tổ chức, từ đó tôi mở rộng diện tích trồng lên 1 ha. Sản phẩm sau khi thu hoạch đều được Công ty G.O.C thu mua với giá gần 8.000 đồng/kg. Qua đó, sản phẩm sản xuất ra không lo bị tồn ứ không bán được, tôi rất yên tâm sản xuất.

Người dân thôn Bến Lường, xã Minh Sơn chăm sóc tre măng Bát độ

Quyết Thắng là xã trồng nhiều măng tre Bát độ nhất của huyện Hữu Lũng với diện tích gần 50 ha. Hiện nay, trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã Sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp Quyết Thắng thu mua, sơ chế măng Bát độ. Cụ thể, hợp tác xã được tỉnh, huyện đầu tư xây dựng cơ sở chế biến măng Bát độ và đi vào hoạt động từ năm 2018. Hợp tác xã thu mua măng của người dân, sơ chế măng thành các sản phẩm măng chua, măng sấy khô… xuất bán cho Công ty G.O.C.

Ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp Quyết Thắng cho biết: Công ty G.O.C không chỉ bao tiêu sản phẩm măng mà con hỗ trợ một phần thiết bị sơ chế măng để hợp tác xã thực hiện sơ chế. Về giá thu mua, hiện nay chưa vào mùa thu hoạch măng, nhưng theo giá thị trường những năm trước, thương lái thu mua lúc cao nhất từ 13 – 14 nghìn đồng/kg, thấp nhất 5 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá Công ty G.O.C thu mua 7.200 đồng/kg. Nếu tính bình quân cả vụ, thì giá thị trường và giá Công ty thu mua cũng gần như ngang nhau, nhưng việc công ty bao tiêu sản phẩm sẽ giúp người dân yên tâm phát triển trồng măng, không lo về đầu ra, hoặc bị tư thương ép giá.

Hiện nay, toàn huyện Hữu Lũng có trên 165 ha tre măng Bát độ, được trồng ở 12 xã dọc sông Trung, sông Thương như: Minh Sơn, Nhật Tiến, Yên Bình, Hòa Bình, Quyết Thắng, Tân Lập, Minh Tiến,… Hiện nay, diện tích cho sản phẩm là trên 70 ha, với năng suất trung bình 25 tấn/ha. Sản phẩm sản xuất ra được Công ty G.O.C thu mua cho người dân. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty G.O.C Bắc Giang cho biết: Để tạo đầu ra ổn định cho người dân trồng tre măng Bát độ, công ty đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm măng Bát độ với UBND huyện Hữu Lũng. Theo đó, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm măng Bát độ đạt tiêu chuẩn trên địa bàn toàn huyện, với giá 7.200 đồng/kg. Ngoài ra, hiện nay công ty hỗ trợ một phần thiết bị (nồi hơi luộc măng) cho xưởng sơ chế măng tại xã Quyết Thắng để thực hiện sơ chế đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Thời gian tới, công ty tiếp tục thực hiện thu mua sản phẩm măng Bát độ trên địa bàn huyện.

Ông Lương Văn Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Việc liên kết giữa người dân, doanh nghiệp trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm như trên không chỉ tạo đầu ra với giá cả ổn định cho người dân, mà còn nâng cao giá trị sản phẩm từ việc bảo quản, sơ chế măng thành các thành phẩm khác nhau. Qua đó, tạo điều kiện phát triển mở rộng vùng sản xuất măng Bát độ lên 300 ha theo chỉ tiêu phấn đấu của huyện.

ĐỖ HOẠT