Thứ sáu,  20/09/2024

Mô hình trồng dong riềng ở Tràng Phái: Ổn định nhờ liên kết

Người dân thôn Khòn Riềng, xã Tràng Phái thu hoạch củ dong riềng

– Những năm qua, cây dong riềng đã được người dân xã Tràng Phái (huyện Văn Quan) đưa vào trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhất là từ khi Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ba Sơn (doanh nghiệp trên địa bàn xã Tràng Phái) liên kết với người dân từ sản xuất đến tiêu thụ, hiệu quả kinh tế ngày càng ổn định hơn.

Gia đình ông Lưu Văn Khoanh, thôn Khòn Riềng trồng dong riềng từ năm 2013 đến nay, mỗi năm, ông đều trồng 4 sào và được Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ba Sơn thu mua với giá ổn định  2.000 đồng/kg. Nhờ đó, đã đem lại thu nhập trên 15 triệu đồng mỗi năm và cây dong đã trở thành một trong những cây trồng chính của gia đình ông.

Ông Khoanh cho biết: Giá bán củ dong ổn định và được doanh nghiệp cam kết thu mua nên tôi yên tâm sản xuất. Vụ dong năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất, sản lượng đạt cao hơn năm trước, gia đình tôi ước thu được 8 tấn củ, doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn, ở mức 2.500 đồng/kg.

 Qua tìm hiểu của chúng tôi, lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ba Sơn là sản xuất miến dong sạch với sản phẩm “miến dong Tràng Phái”. Trong khi đó, nguyên liệu để sản xuất miến dong là củ dong nên từ năm 2013, công ty đã liên kết với người dân trong xã để trồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Vì vậy, không chỉ có hộ ông Khoanh, tất cả các hộ trồng dong riềng tại xã Tràng Phái đều được công ty cam kết bao tiêu sản phẩm củ dong.

Theo đó, khi liên kết sản xuất với người dân, công ty đều đảm bảo thu mua sản phẩm củ dong với giá thấp nhất là 2.000 đồng/kg. Riêng từ vụ dong riềng năm 2020, công ty đã nâng giá thu mua lên 2.500 đồng/kg. Vụ dong riềng năm 2021 này, công ty liên kết với 75 hộ dân trồng được 10,5 ha (tăng 2,5 ha so với năm 2020). Hiện nay, bà con tranh thủ thời tiết nắng ấm để thu hoạch củ dong riềng. Năng suất dong riềng năm nay ước đạt 70 tấn/ha, với sản lượng ước đạt hơn 700 tấn.

Ông Hoàng Văn Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Ba Sơn cho biết: Công ty đã liên kết với người dân để tạo vùng nguyên liệu. Đồng thời xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc để sản xuất miến dong và chú trọng xây dựng thương hiệu “miến dong Tràng Phái”. Nhờ đó, sản phẩm đưa ra thị trường được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Riêng trong năm 2020, công ty đã  sản xuất được 9 tấn miến với giá bán 70.000 đồng/kg. Ngoài ra, công ty còn sản xuất bột dong cung cấp nguyên liệu cho một số xưởng sản xuất ở tỉnh Thái Nguyên. Năm nay, công ty dự kiến sản xuất 20 tấn miến; cung cấp khoảng 49 tấn bột dong cho các cơ sở sản xuất ở các tỉnh bạn.

Được biết, từ năm 2013, bằng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với kinh phí 100 triệu đồng, xã Tràng Phái đã triển khai trồng thí điểm trên diện tích 3,2 ha với 55 hộ tham gia. Cùng với đó, xã phối hợp với công ty và phòng chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn cách trồng, chăm sóc cây dong để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sau 8 tháng trồng, chăm sóc theo quy trình, khi thu hoạch cho thu nhập đạt 113 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 3 đến 4 lần so với trồng ngô. Với hiệu quả như vậy, từ năm 2014 đến nay, xã Tràng Phái luôn duy trì và nhân rộng mô hình này.

Ông Triệu Văn Hựu, Chủ tịch UBND xã Tràng Phái cho biết: Thời gian qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ba Sơn liên kết trồng và bao tiêu củ dong riềng giúp người dân giảm bớt nỗi lo được mùa mất giá, yên tâm sản xuất. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện để công ty mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm miến dong và phối hợp với công ty tuyên truyền người dân duy trì và mở rộng diện tích trồng dong riềng. Xã phấn đấu đến năm 2025, toàn xã trồng được 15 đến 20 ha dong riềng.

Nhờ hình thành mối liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân tại xã Tràng Phái đã góp phần đảm bảo sự bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con trong sản xuất củ dong riềng. Từ trồng cây dong riềng đã giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của xã từ 22,2 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 36,3 triệu đồng/người/năm (năm 2020).

CẨM HÀ