Thứ sáu,  20/09/2024

Hoà Bình: Phát triển kinh tế từ rừng

– Những năm qua, người dân ở xã Hoà Bình, huyện Văn Quan đã tích cực trồng rừng. Từ phát triển rừng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu.

Là một trong những hộ tiên phong trong phát triển cây keo tại địa bàn xã, bà Lưu Thị Viện, thôn Còn Hẩu cho biết: Năm 2014, tôi trồng 1.500 cây (tương đương với diện tích khoảng 1 ha) trên đất đồi của gia đình. Đến đầu năm 2021, tôi khai thác toàn bộ rừng keo và thu được 70 triệu đồng. Nhận thấy trồng keo cho hiệu quả kinh tế cao, thu hoạch xong, gia đình tôi tiếp tục trồng lại trên diện tích đã khai thác và mở rộng thêm 2,5 ha. Nhờ trồng và chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, hiện nay, rừng keo đang phát triển tốt, không có sâu bệnh.

Người dân thôn Hà Quảng, xã Hoà Bình chăm sóc rừng keo

Còn hộ ông Liễu Văn Nghĩa, thôn Hà Quảng lại phát triển kinh tế rừng từ mô hình trồng hồi hữu cơ. Ông Nghĩa chia sẻ: Tận dụng diện tích đất đồi trống, năm 2010, gia đình tôi đưa 600 gốc hồi về trồng, sau quá trình chăm sóc, đến năm thứ 8, cây bắt đầu cho thu hoạch hoa, vụ đầu tiên gia đình thu nhập được trên 30 triệu. Năm 2018, được tham gia lớp tập huấn sản xuất hồi theo hướng hữu cơ do UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức, tôi đã áp dụng theo phương pháp này để tăng hiệu quả. Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, sản lượng hồi của gia đình đạt từ 1,5 tấn đến 2 tấn/năm, thu nhập đạt từ 40 đến 50 triệu đồng/năm.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết: cách đây hơn 10 năm, người dân trên địa bàn xã đã bắt đầu trồng rừng. Nhưng lúc ấy, số hộ trồng rừng chưa nhiều, diện tích nhỏ lẻ. Đến năm 2015, người dân mới tập trung trồng keo, hồi, sở do nhu cầu nguồn nguyên liệu trên thị trường rất lớn. Hiện, hầu hết người dân trong xã đều trồng rừng, hộ ít có 1 ha, hộ nhiều lên tới 10 ha.

Ông Hoàng Văn Tâm, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với gần 1.900 ha đất lâm nghiệp, chiếm 82% diện tích tự nhiên, những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã tập trung phát triển kinh tế rừng, trong đó chủ yếu trồng keo, hồi, sở. Để khuyến khích người dân phát triển rừng, hằng năm, UBND xã phối hợp với cơ quan chức năng của huyện tổ chức từ 2 đến 3 lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ bệnh. Từ đó, giúp người dân có thêm kiến thức để phát triển trồng rừng có hiệu quả.

Đặc biệt, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 đến hết năm 2020, UBND xã đã hỗ trợ gần 22.000 kg phân bón và 96.000 cây giống lâm nghiệp cho 464 lượt hộ dân thực hiện các mô hình trồng rừng với tổng kinh phí 681 triệu đồng. Cùng với đó, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể, người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển đồi rừng. Từ năm 2016 đến nay, toàn xã có 200 hộ dân được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 10 tỷ đồng.

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chủ động của người dân, diện tích rừng trồng mới hằng năm trên địa bàn xã ngày càng tăng. Riêng năm 2021, toàn xã trồng mới được 80 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng toàn xã lên 1.400 ha. Từ năm 2019 đến nay, trung bình một năm, sản lượng khai thác keo toàn xã đạt khoảng 50 m3, thu hoạch hoa hồi khoảng 50 tấn…, giá trị đạt trên 2 tỷ đồng. Nhờ trồng rừng mà hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã có thu nhập từ 60 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm (tuỳ theo diện tích trồng), điển hình như hộ: Hoàng Văn Kết, Lý Văn Thắng (thôn Còn Hẩu), Hoàng Văn Đạt, Hoàng Văn Bền (thôn Nà Thượng)…

Hiệu quả từ trồng rừng đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại xã. Qua rà soát, đánh giá, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 15,5% (giảm 46,3% so với năm 2016), thu nhập hiện nay đạt 27 triệu đồng/người/năm (tăng 12 triệu đồng/người/năm so với năm 2016).

HỒ DUNG