Thứ năm,  19/09/2024

Hương rừng

LSO-Nhiều khi tự vấn, Hoàng Lê Minh cũng chẳng hiểu nổi, mình yêu rừng từ khi nào nhỉ? Không phải từ khi học Trường lâm nghiệp Việt Nam, cũng chẳng phải sau 3 năm ở Viện sinh thái ZaTec, Cộng hòa Séc. Những nơi ấy, cho ông nhiều hơn kiến thức về rừng, chứ chẳng dạy ông yêu rừng. Có lẽ, tình yêu ấy của Hoàng Lê Minh xuất phát từ bản năng.Có nhiều người cứ giữ cho mình mãi một ấn tượng nào đó, như Hoàng Lê Minh chẳng hạn. Cứ nhắc đến rừng là ông bật hẳn về phía trước, rồi say sưa, săng sái. Mấy mươi năm trong ngành lâm nghiệp, nghiên cứu về lâm nghiệp, dấu chân ông đã in khắp các cánh rừng Lạng Sơn. Ngỡ như dãy Ngàn La, Ngàn Chi ở nơi xa xôi, mãi đầu nguồn của dòng Kỳ Cùng huyền thoại ấy chưa ai đặt chân đến, thế mà khi nhắc tới thì ông tả được từng cái lá ở đó nó rụng kiểu gì, thảm thực vật dày bao nhiêu. Dân bản địa xem ông đi rừng mà cũng ngán. Còn nhớ cái thời cá cóc được người dân Mẫu...

LSO-Nhiều khi tự vấn, Hoàng Lê Minh cũng chẳng hiểu nổi, mình yêu rừng từ khi nào nhỉ? Không phải từ khi học Trường lâm nghiệp Việt Nam, cũng chẳng phải sau 3 năm ở Viện sinh thái ZaTec, Cộng hòa Séc. Những nơi ấy, cho ông nhiều hơn kiến thức về rừng, chứ chẳng dạy ông yêu rừng. Có lẽ, tình yêu ấy của Hoàng Lê Minh xuất phát từ bản năng.
Có nhiều người cứ giữ cho mình mãi một ấn tượng nào đó, như Hoàng Lê Minh chẳng hạn. Cứ nhắc đến rừng là ông bật hẳn về phía trước, rồi say sưa, săng sái. Mấy mươi năm trong ngành lâm nghiệp, nghiên cứu về lâm nghiệp, dấu chân ông đã in khắp các cánh rừng Lạng Sơn. Ngỡ như dãy Ngàn La, Ngàn Chi ở nơi xa xôi, mãi đầu nguồn của dòng Kỳ Cùng huyền thoại ấy chưa ai đặt chân đến, thế mà khi nhắc tới thì ông tả được từng cái lá ở đó nó rụng kiểu gì, thảm thực vật dày bao nhiêu. Dân bản địa xem ông đi rừng mà cũng ngán. Còn nhớ cái thời cá cóc được người dân Mẫu Sơn đem bán, ai cũng bảo ấy là con…tắc kè nước. Thế nào Hoàng Lê Minh nghe được, lặn lội đến tận nơi, để rồi bàng hoàng nhận ra, ở cái đỉnh cao trên 1.000 mét so với mực nước biển này đang tồn tại một loài bò sát cổ sinh. Rồi từ phát hiện ấy, các ngành vào cuộc, kêu gọi, nghiên cứu, bảo tồn. Cứ nghe chỗ nào có sinh vật lạ, có loài cây hay là khoác ba lô quảy quả đi ngay, kể cả khi đã làm Giám đốc, rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Giống cây trồng lâm nghiệp vùng Đông Bắc, tính khí ấy vẫn vậy. Đến lạ! Ngồi nói chuyện với Hoàng Lê Minh mà tôi ngờ rằng ông đã bị rừng…mê hoặc.
Các loại cây hồi ghép, cây xạ đen trong vườn ươm của công ty cổ phần
giống cây trồng lâm nghiệp vùng Đông Bắc
Nhớ thời điểm của gần 3 chục năm về trước, khi cây hoàng đàn Hữu Liên bị tàn phá, đứng trước nguy cơ tận diệt. Nhà nhà săn lùng, người người truy tìm dấu của hoàng đàn trên những dãy núi đá cheo leo. Hoàng Lê Minh cũng trong dòng người ấy, nhưng họ, số đông ấy vì tiền! Còn ông lại “ngược đời”, bỏ tiền ra chỉ đổi lấy chút hạt, vài cây hoàng đàn con con còn sót lại để nghiên cứu, nghĩ cách bảo tồn. Để đến giờ, mấy chục năm sau cái tâm huyết ấy đã nảy mầm, rồi lớn dần trong vườn ươm, những cá thể ấy đã sẵn sàng trở lại vùng núi đá năm xưa, trả lại màu xanh tự nhiên như khi rừng chưa hề bị tàn phá. Có điều chẳng phải ai cũng biết, cái loại hoàng đàn ấy, nó riêng biệt mà chưa có mô tả nào đúng với nó, trong nghiên cứu, trong sách vở, hoàng đàn Hữu Liên thuộc loại riêng có ở Lạng Sơn. Giữ được nguồn gen vô giá của hoàng đàn, Hoàng Lê Minh lại lặn lội trong vùng hồi, ông muốn biết, tại sao cây hồi, được coi là biểu tượng của Lạng Sơn mà càng phát triển về diện tích, năng suất lại càng kém, càng thoái hóa đi? Mất hơn chục năm để nghiên cứu, lý giải, Hoàng Lê Minh tiếp tục có trong tay công nghệ tạo giống hồi ghép. Cây truyền thống của Xứ Lạng trong “bộ dạng” mới trở thành tâm điểm của sự chú ý trong các hội chợ, cuộc triển lãm. Ngay cả những lão nông cả đời gắn bó với hồi cũng chẳng thể nào ngờ, có cây hồi chỉ cần trồng 2 năm, cao ngang ngực đã được thu hoạch sản phẩm.
Nghe về những “thứ lạ” của Hoàng Lê Minh, rất nhiều người tìm đến với ông, quan hệ vì thế cũng rất rộng. Chính khách cũng có như nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn; nhà khoa học cũng có, nổi tiếng như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Gặp ông, khó ai quên được cái ấn tượng về một người yêu rừng, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nhận xét: tôi có dịp quen biết không ít các nhà khoa học, những người đã tận tụy nghiên cứu phục vụ nông dân. Họ thường công tác ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cục, vụ hay các sở NN- PTNT. Họ có học hàm, học vị nên dễ dàng nhận được kinh phí thông qua các dự án, các đề tài nghiên cứu và lại có nhiều thiết bị hỗ trợ khá hiện đại. Hoàng Lê Minh lại khác, công tác ở một tỉnh xa xôi, trong tay không có thiết bị nghiên cứu gì đáng kể, vậy mà năm nào anh cũng tìm ra được những điều mới mẻ phục vụ rộng rãi cho nông dân nhiều vùng trong cả nước, bảo tồn được những nguồn gen quý giá.
Ông Hoàng Lê Minh bên vườn ươm cây hoàng đàn Hữu Liên

Mọi thứ sưu tầm được, nào là cá cóc, hươu sao, gà 6 ngón, rồi tập đoàn cỏ phục vụ chăn nuôi, cây gỗ lớn, tre trúc, cau cọ, dược liệu…Hoàng Lê Minh “bê” tất về quả đồi vài ha của Công ty, chẳng thế mà chỉ sau một thời gian ngắn, chỗ ấy đã trở nên chật hẹp. Nếu tính riêng về cây dược liệu, ông có trong tay trên 300 loại. Có cây được các thầy lang dùng bằng kinh nghiệm, chưa có ai nghiên cứu, chưa có định danh. Cũng trong số đó, Hoàng Lê Minh bảo, 10% là những cây cực quý có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, tớ lặn lội bao năm trời đưa về đây để nghiên cứu. Nhiều loại thế, nên không thể ngày một, ngày hai, ông để nghiên cứu…dần dần. Nghiên cứu, giữ được bao nhiêu hay tới đó, số đó sẽ được bảo tồn chắc chắn. Khi các khu rừng cạn kiệt, “cơn lốc” chảy máu dược liệu qua biên lắng xuống, muốn khôi phục lại, thì đây nguồn gen đây, giống đây, cây vẫn có thể trở lại với rừng – Hoàng Lê Minh vẫn hay nói cái kiểu “lo xa” như thế. Và, ông vẫn âm thầm, mải miết để giữ hương rừng.

Vũ Lê Minh