Thứ sáu,  20/09/2024

Nữ thương binh "tàn nhưng không phế"

LSO-Là thanh niên xung phong (TNXP), chị Huệ và các đồng đội trong những năm chiến tranh đã nỗ lực góp sức mình bảo vệ trận tuyến, vùng mà cả nước biết đến với biệt danh “túi bom”, là nơi giáp ranh giữa miền Bắc và miền Nam - Quảng Trị. Trong một trận chiến đấu chị Huệ bị thương phải về tuyến sau và xuất ngũ tháng 10/1973, lúc đó chị mới 25 tuổi.Nhớ lại ngày xuất ngũ trở về quê, chị Huệ bùi ngùi xúc động kể lại: ngày ấy, tôi theo chồng về quê Tràng Định, anh cũng là thương binh và là đồng đội của tôi. Chúng tôi bắt đầu xây dựng cuộc sống, khi ấy gia tài của vợ chồng tôi chỉ có 2 chiếc ba lô và 2 chiếc màn cá nhân dồn lại thành một. Trong khi đó, cả hai đều trong tình trạng thương tật và thường xuyên bị sốt rét, những cơn sốt rét mang về từ Trường Sơn. Khó khăn là thế, nhưng với tình thương yêu của gia đình, làng xóm, sự đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng, chúng tôi đã dần vượt qua khó khăn, từng bước...

LSO-Là thanh niên xung phong (TNXP), chị Huệ và các đồng đội trong những năm chiến tranh đã nỗ lực góp sức mình bảo vệ trận tuyến, vùng mà cả nước biết đến với biệt danh “túi bom”, là nơi giáp ranh giữa miền Bắc và miền Nam – Quảng Trị. Trong một trận chiến đấu chị Huệ bị thương phải về tuyến sau và xuất ngũ tháng 10/1973, lúc đó chị mới 25 tuổi.
Nhớ lại ngày xuất ngũ trở về quê, chị Huệ bùi ngùi xúc động kể lại: ngày ấy, tôi theo chồng về quê Tràng Định, anh cũng là thương binh và là đồng đội của tôi. Chúng tôi bắt đầu xây dựng cuộc sống, khi ấy gia tài của vợ chồng tôi chỉ có 2 chiếc ba lô và 2 chiếc màn cá nhân dồn lại thành một. Trong khi đó, cả hai đều trong tình trạng thương tật và thường xuyên bị sốt rét, những cơn sốt rét mang về từ Trường Sơn. Khó khăn là thế, nhưng với tình thương yêu của gia đình, làng xóm, sự đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng, chúng tôi đã dần vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống và bước vào một trận tuyến mới, không tiếng súng nhưng cũng thực sự khó khăn, đó chính là diệt giặc đói, giặc dốt, giặc nghèo…
Với bản chất của “người lính Cụ Hồ”, vợ chồng chị Huệ đều hăng hái tham gia công tác xã hội. Chồng chị, anh Nguyễn Đức Hạnh cũng tham gia ban quản trị hợp tác xã, rồi tham gia xã đội, dân quân. Chị Huệ được bà con tín nhiệm bầu vào HĐND cấp xã từ năm 1984 đến 1994; đại biểu HĐND huyện từ năm 1994 đến năm 2004. Chị Huệ giữ các chức vụ Phó Ban Tài chính xã rồi Chủ tịch Hội phụ nữ xã. Là người có nhiều năm làm công tác vận động quần chúng, dù ở cương vị nào chị cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị luôn tâm niệm rằng, dù mình ở đâu, làm việc gì cũng đều phải khiêm tốn học hỏi, trau dồi đạo đức để hoàn thiện mình, thực hiện lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”, làm hết mình để sống có ích. Nhiều năm liền Hội phụ nữ xã Đề Thám là đơn vị dẫn đầu phong trào phụ nữ Lạng Sơn được Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen và Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba… Cá nhân chị Huệ được nhiều bằng khen của các bộ, ngành và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 7/2005, chị Huệ được nghỉ không giữ cương vị Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đề Thám. Năm 2006, Hội cựu TNXP ra đời, chị Huệ được đồng đội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Tràng Định. Sau 6 năm xây dựng, củng cố tổ chức, đến nay, 98% cựu TNXP trên địa bàn đã vào tổ chức hội; 80% số hội viên được hưởng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đánh giá về chị Dương Thị Minh Huệ, ông Nguyễn Anh Nhưỡng, Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh cho rằng: đây là một tấm gương thương binh – cựu TNXP tiêu biểu của tỉnh. Những cống hiến của chị rất đáng trân trọng, trong đó, Hội cựu TNXP huyện Tràng Định 5 năm liền được tặng cờ thi đua xuất sắc, bản thân chị Huệ được tặng 4 bằng khen và danh hiệu chiến sĩ thi đua năm 2011. Trong tháng 5/2012, chị Huệ còn vinh dự được tham gia đoàn đại biểu tiêu biểu của tỉnh thăm thủ đô Hà Nội, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Đó thực sự là niềm vinh dự không chỉ của chị Huệ mà của tất cả cựu TNXP chúng tôi.
Không chỉ tích cực trong công tác xã hội mà với gia đình, chị Huệ vừa là mẹ vừa là cha của 4 người con, bởi người chồng của chị do di chứng của chiến tranh đã qua đời năm 2001. Chị tâm sự: hồi đó khi chồng tôi mới qua đời, một mình tôi nuôi dạy các con khi chúng còn quá nhỏ cũng thật vất vả, rồi thời gian trôi qua thì những vất vả ấy cũng theo năm tháng vơi dần. Và phần thưởng lớn nhất của cuộc đời tôi chính là 4 đứa con đều nên người, không ai mắc tệ nạn xã hội. Hiện nay, trong 4 người con thì đã có 3 đứa đứng trong hàng ngũ của Đảng. Để phát triển kinh tế gia đình, năm 2011, gia đình tôi đã đầu tư 200 triệu đồng xây một lò sấy nông sản, giải quyết việc làm cho 6 lao động với mức thu nhập hàng tháng trung bình 3,6 triệu đồng. Hàng năm trừ chi phí cũng lãi khoảng 100 triệu đồng, cuộc sống gia đình ổn định hơn.

Năm nay đã bước sang tuổi 65 nhưng nữ thương binh – cựu TNXP vẫn đầy nhiệt huyết cống hiến cho tổ chức Hội cựu TNXP của tỉnh nói chung, huyện Tràng Định nói riêng. Tấm gương của nữ thương binh – cựu TNXP Dương Thị Minh Huệ thực sự xứng đáng là “thương binh tàn nhưng không phế”.

Thanh Huyền