Thứ sáu,  20/09/2024

Cựu chiến binh Ngô Tuấn Dân làm kinh tế giỏi

LSO-Nhắc đến ông Ngô Tuấn Dân ở phố Tân Long, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, người dân nơi đây không chỉ quen thuộc ông với cương vị 10 năm làm trưởng khu phố mà con biết đến ông với mô hình kinh tế trang trại vườn rừng đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm. Theo đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Văn Quan, sau 1 tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Ngô Tuấn Dân, hội viên Chi hội CCB phố Tân Long. Ấn tượng về người CCB này trong lần đầu gặp gỡ là sức dẻo dai ở cái tuổi 74 và nụ cười mãn nguyện chiến thắng cái đói nghèo. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 9 năm 1965, ông nhập ngũ và đóng quân tại Quảng Trị thuộc Sư đoàn 3. Tiếp đó, ông chuyển sang trường học lái xe Tổng cục Hậu cần và tham gia phục vụ chiến đấu ở trung Lào. Phục viên trở về quê năm 1970, là thương binh hạng 4/4; cũng như các CCB khác, cuộc sống gia đình ông gặp không ít...

LSO-Nhắc đến ông Ngô Tuấn Dân ở phố Tân Long, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, người dân nơi đây không chỉ quen thuộc ông với cương vị 10 năm làm trưởng khu phố mà con biết đến ông với mô hình kinh tế trang trại vườn rừng đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm.
Theo đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Văn Quan, sau 1 tiếng đồng hồ đi bộ, chúng tôi tìm đến trang trại của ông Ngô Tuấn Dân, hội viên Chi hội CCB phố Tân Long. Ấn tượng về người CCB này trong lần đầu gặp gỡ là sức dẻo dai ở cái tuổi 74 và nụ cười mãn nguyện chiến thắng cái đói nghèo. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 9 năm 1965, ông nhập ngũ và đóng quân tại Quảng Trị thuộc Sư đoàn 3. Tiếp đó, ông chuyển sang trường học lái xe Tổng cục Hậu cần và tham gia phục vụ chiến đấu ở trung Lào. Phục viên trở về quê năm 1970, là thương binh hạng 4/4; cũng như các CCB khác, cuộc sống gia đình ông gặp không ít khó khăn, không vốn liếng, không nghề nghiệp nhưng quyết tâm và ý chí không chịu lùi bước trước khó khăn, ông Dân bắt tay phát triển kinh tế.
Ngày ngày cùng vợ con khai phá đất hoang, trồng cây, nuôi gà, nuôi lợn, khi rảnh rỗi ông thường đi tham quan học tập các mô hình trang trại làm ăn hiệu quả ở các địa phương, tìm hiểu các tiến bộ về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Từ 1 ha đất khai hoang ban đầu, đến nay ông Dân đã có trên 3 ha rừng hồi, hơn 1 ha đất trang trại kết hợp trồng cây ăn quả và bạch đàn. Trong đó, có 3 ha hồi đã cho thu nhập, năm nhiều thì cho thu hoạch 7-8 tạ hồi khô, năm ít cũng được 3- 4 tạ đem lại thu nhập 20 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, ông còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trên những diện tích đất chưa được che phủ, ông còn tận dụng trồng ngô, sắn để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Ước tính tổng thu nhập từ các nguồn thu khoảng 50 triệu đồng/năm.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Ngô Tuấn Dân còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Từ năm 1995 đến năm 2005, ông được bà con tín nhiệm bầu giữ chức trưởng khu phố Tân Long, là hội viên hội cựu chiến binh, ông còn tham gia trong ban hòa giải của khu phố. Ở cương vị nào ông cũng tận tâm, tận lực hoàn thành tốt công việc của mình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại và giúp đỡ những hội viên có nhu cầu. Với những đóng góp trong quá trình hoạt động cách mạng cũng như những đóng góp tích cực tại quê nhà, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Giải phóng và UBMTTQ huyện tặng giấy khen “đã có thành tích trong công tác mặt trận năm 1997”.

Tuy tuổi cao nhưng không lúc nào ông Ngô Tuấn Dân chịu nghỉ ngơi. Thời gian tới, ông dự kiến sẽ trồng bạch đàn che phủ hết các diện tích đất rừng còn lại. Có được những thành quả như ngày hôm nay với ông Ngô Tuấn Dân là cả một quá trình quyết tâm, ý chí và nghị lực không chịu lùi bước trước những khó khăn. Ông thật xứng đáng là một tấm gương để mọi người học tập và nhân rộng.

Thanh Bình