Thứ năm,  19/09/2024

Cậu bé tật nguyền vượt lên số phận

LSO-“Em không muốn làm gánh nặng cho gia đình, cơ thể em đã khiếm khuyết rồi, em không thể để tâm hồn mình cũng“khuyết tật” nốt, em phải cố gắng học thật giỏi…” đó là những lời tâm sự của cậu bé Vi Văn Đại, dân tộc Nùng, thôn Mỏ Vàng, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng.

LSO-“Em không muốn làm gánh nặng cho gia đình, cơ thể em đã khiếm khuyết rồi, em không thể để tâm hồn mình cũng“khuyết tật” nốt, em phải cố gắng học thật giỏi…” đó là những lời tâm sự của cậu bé Vi Văn Đại, dân tộc Nùng, thôn Mỏ Vàng, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng.

Trong căn nhà cấp 4 chênh vênh bên sườn núi Mốc Sáu, ông bà nội của Đại ngậm ngùi kể về hoàn cảnh đáng thương của em: “hoàn cảnh em nó khổ lắm, ngay từ khi lọt lòng, hình hài dị tật, đôi tay gấp ngược vào phía trong. Khi chưa ra đời, mẹ cháu vui mừng chờ đợi là thế, vậy mà khi Đại mới được 35 ngày tuổi, mẹ cháu đã bỏ nhà ra đi không lời từ biệt. Nhiều hôm thằng bé khát sữa khóc ngằn ngặt, phải lấy nước ngô thay sữa bón cho ăn”. Việc mẹ chối bỏ đã khiến em từ bé thiếu hơi ấm của mẹ, nhưng càng xót xa hơn khi đến tuổi học nói, sang hàng xóm chơi, Đại bắt chước con nhà người khác bất ngờ bật tiếng gọi: mẹ! mẹ! khiến người thân đau như xát muối vào lòng.

Rồi cậu bé Đại ngày nào còn bé xíu cũng đến tuổi đi học. Nhưng đi học thì phải cầm bút viết, mà tay em có được như chúng bạn đâu mà viết được. Đôi chân đi được đã khó, tay lại dị dạng không cầm nổi thứ gì thì chỉ bị bạn bè trêu chọc. Nhưng vượt qua mặc cảm cùng với khát khao tột đỉnh là được học chữ, Đại đã tập viết bằng chân. Được bố đóng cho một chiếc bàn giống như chiếc phản, em ngồi tập viết, lúc đầu là những nét nguệch ngoạc, méo mó không ra hình ra dạng. Đôi chân kẹp bút của Đại mỏi nhừ, các ngón chân sưng tấy lên vì em phải gồng lên kẹp chặt bút. “Có công mài sắt…”, dần dần chữ của em không thua kém gì các bạn trong lớp. Em Hoàng Thị Lan, thôn Quyết Thắng cho biết: Đại thông minh và học rất giỏi, chúng em còn phải học tập bạn ấy nhiều lắm. Càng lớn Đại càng ý thức được bản thân nên những sinh hoạt cá nhân em tự tập làm để mọi người không phải lo. Trong bữa ăn, em dùng đôi tay còng queo cố giữ lấy chiếc thìa, người cúi gập xuống xúc từng thìa cơm. Thỉnh thoảng đầu bị ngứa, em lại cúi gập xuống lấy ngón chân gãi. Đại tâm sự: em phải cố gắng học thật giỏi, em mơ ước được ra ngoài xã hội và cống hiến. Thông minh, ham học nên từ lớp 1 đến lớp 5, em đều đạt học sinh giỏi. Riêng năm học lớp 6 và lớp 7, Đại phải đi mổ chân, nghỉ hơn một tháng nhưng vẫn đạt học sinh khá. Học hết lớp 9, vì trường quá xa nhà và đường đi hết sức khó khăn, em không thể đến trường. Nhưng thầy giáo Chu Hoa Nam, giáo viên tiếng Anh tại Trường THCS Thiện Kỵ đã xin cho em xuống học tin học tại Trung tâm Nghị lực sống ở huyện Thanh Oai (Hà Nội). Nhờ đó mà em có cơ hội được tiếp cận với máy tính và giỏi lập trình, thiết kế web. Em hồ hởi khoe những trang web em làm, nêu ý tưởng lập những gian hàng chuyên bán đồ cho người khuyết tật ở trang baonguoikhuyettat.vn. Ông Đàm Văn Hòa, cán bộ văn hóa xã Thiện Kỵ tự hào: Đại là một học sinh nghị lực, học giỏi, em là tấm gương sáng cho bạn bè noi theo. Năm học mới này, Đại được vào học lớp chọn 10A9 của Trường THPT Vân Nham, Hữu Lũng sau hơn một năm bỏ dở. Ánh mắt em ánh lên niềm vui khôn tả khi khoe với tôi rằng em đã được đóng cho một chiếc bàn đặc biệt để có thể ngồi học. Chia tay em – cậu bé có nghị lực phi thường, tôi mong em sẽ sớm đạt được ước mơ của mình.

DƯƠNG THỊ KHUYÊN