Thứ sáu,  20/09/2024

Anh Đạt không chịu đói nghèo

LSO-Bằng ý chí và nghị lực vươn lên, cần cù, ham học hỏi, anh Vương Văn Đạt, thôn Suối Ngang 1, xã Hoà Thắng, huyện Hữu Lũng đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi. Với mô hình chăn nuôi hươu và lợn rừng, hàng năm cho gia đình anh thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.

LSO-Bằng ý chí và nghị lực vươn lên, cần cù, ham học hỏi, anh Vương Văn Đạt, thôn Suối Ngang 1, xã Hoà Thắng, huyện Hữu Lũng đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi. Với mô hình chăn nuôi hươu và lợn rừng, hàng năm cho gia đình anh thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.

 Anh Vương Văn Đạt với mô hình chăn nuôi hươu cho hiệu quả kinh tế cao

Chúng tôi có dịp đến gia đình anh Đạt vào trung tuần tháng 8/2013, sau khi uống xong tuần trà, anh đưa chúng tôi đi một vòng thăm mô hình nuôi hươu, lợn rừng của gia đình. Trong một khu vườn rộng sau nhà, 2 dãy chuồng lợn, 1 dãy chuồng hươu được phân thành từng ô sạch sẽ, thoáng khí. Những con lợn rừng lông dài, cứng và đen đang đùa nhau, trên bãi đất trống. Những con hươu đang ăn cỏ và lá cây, thỉnh thoảng lại kêu rít lên. Nhìn những con lợn, hươu khoẻ mạnh, chuồng trại bố trí hợp lý, sạch sẽ có thể thấy người chủ có kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi. Vừa đưa chúng tôi đi, anh Đạt vừa chia sẻ, anh sinh năm 1978 trong một gia đình thuần nông. Học hết cấp 2, do đời sống khó khăn anh phải nghỉ học làm phụ giúp gia đình, đến năm 2000, anh xây dựng gia đình và ra ở riêng. Lúc đó cuộc sống rất khó khăn, không có nghề phụ, vợ chồng anh với 2 sào ruộng không đủ ăn. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, anh bàn với vợ có ít vốn dành dụm được đầu tư mua 2 con lợn nái về nuôi. Sau hơn nửa năm, 2 con lợn nái đẻ được hơn 20 con, gia đình anh không bán mà để nuôi. Cứ như vậy, lợn nái đẻ lấy giống nuôi thành lợn thịt rồi bán, sau vài năm đã có vốn để trang trải cuộc sống gia đình. Đến những năm 2008-2009, phong trào nuôi lợn rừng bắt đầu có ở một số địa phương, sau khi tìm hiểu, anh đã quyết định bỏ nuôi lợn thường, chuyển sang nuôi lợn rừng. Năm 2009, anh mua 3 con lợn rừng, trong đó có 1 con đực và 2 con cái làm giống.

Từ 2010 đến nay, năm nào gia đình anh cũng có 30 đến  40 con lợn rừng, mỗi con khi xuất bán nặng khoảng 30 kg, với giá bán từ 120 đến 140 nghìn đồng/kg, cho gia đình thu nhập 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh nuôi lợn rừng, đầu năm 2010, sau khi tìm hiểu về kỹ thuật nuôi hươu sao, anh quyết định xuống Bắc Giang mua 6 con hươu với tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Sau một năm đàn hươu đã cho cắt nhung với mỗi con cắt được từ 7 đến 8 lạng nhung/con, bán giá 2,1 triệu đồng/lạng, cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Hiện, đàn hươu đã sinh sản tăng lên 12 con. Trong 2 năm trở lại đây, từ nuôi hươu và lợn rừng, mỗi năm cho gia đình anh thu nhập từ 80 triệu đến 100 triệu đồng/năm. Từ đó, giúp gia đình anh thoát cảnh nghèo khó và từng bước làm giàu chính đáng. Thời gian tới, đàn hươu sinh sản thêm, gia đình anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại để mở rộng quy mô nuôi hươu.

Theo đánh giá của ông Nông Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Thắng thì mô hình chăn nuôi hươu và lợn rừng của anh Vương Văn Đạt là mô hình tiêu biểu, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong xã. Có được kết quả đó là do sự nỗ lực không mệt mỏi và ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo trước hoàn cảnh còn khó khăn.

Chia tay anh Đạt khi hoàng hôn dần xuống, nở nụ cười, anh khiêm tốn nói rằng: “để thoát nghèo và vươn lên làm giàu thì trước tiên mình cần phải có ý chí phấn đấu vươn lên, luôn học hỏi để có kiến thức thì ắt sẽ thành công”.

ĐỖ HOẠT