Thứ sáu,  20/09/2024

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

LSO-Nhãn đang vào mùa thu hoạch, xung quanh nhà anh Lê Văn Hiệu,thôn Nà Pài, xã Tri Phương (Tràng Định) chỗ nào cũng thấy nhãn.

LSO-Nhãn đang vào mùa thu hoạch, xung quanh nhà anh Lê Văn Hiệu,thôn Nà Pài, xã Tri Phương (Tràng Định) chỗ nào cũng thấy nhãn. Nhãn kín vườn, vươn cả cành vào sân, vào bếp, vào cửa sổ. Những chùm nhãn sai trĩu vít cành xuống gần mặt đất. Năm nay, sản lượng nhãn của nhà ước đạt khoảng hơn 1 tấn, thu nhập từ vụ nhãn này cũng được khoảng 30 triệu đồng. Theo anh Hiệu, nhãn dễ chăm sóc, không mất nhiều công, chi phí đầu tư ít. Để có được những cây nhãn xanh tốt, trĩu quả như ngày hôm nay, gia đình anh Hiệu đã trải qua không ít khó khăn.

Chị Đắc, vợ anh Hiệu (trong ảnh) chia sẻ: trước khi trồng nhãn, gia đình chủ yếu trồng cây nông nghiệp như lúa, ngô và nuôi một vài con lợn. Ít đất canh tác, ít vốn đầu tư sản xuất, nên kinh tế gia đình chẳng có gì là khá giả. Thấy quê anh Hiệu ở Hưng Yên trồng nhiều nhãn, chị đã bàn với anh Hiệu mang thử một số cây giống về trồng tại vườn nhà mình. Sau một thời gian, nhãn sinh trưởng và phát triển tốt, anh chị tiếp tục mang cây giống từ Hưng Yên lên trồng vào những khoảng đất trống trong khu vực rừng sản xuất của gia đình. Tính đến nay, vườn nhãn nhà anh Hiệu cũng đã được gần 8 năm tuổi, số lượng cây nhãn đã cho thu hoạch cả ở vườn nhà và ngoài rừng lên tới 50 cây, ngoài ra còn một số cây nhỏ đang phát triển khá tốt.

Có được vốn từ cây nhãn, gia đình anh Hiệu đã mạnh dạn đầu tư vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt. Từ cặp lợn giống đầu tiên cách đây chục năm, giờ đây trong chuồng luôn duy trì trên 30 con lợn thịt, có lúc cao điểm lên đến 50 con. Thu nhập trung bình hàng năm từ bán lợn thịt của gia đình anh lên tới hàng trăm triệu đồng, trừ các khoản chi phí vẫn còn lãi trên dưới 50 triệu. Bên cạnh chăn nuôi, gia đình anh Hiệu còn trồng thêm một số loại cây ngắn ngày như lúa, ngô, sắn, thạch đen. Không những đảm bảo phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày mà các cây trồng ngắn ngày này còn đem lại thu nhập kinh tế khá cao như thạch đen có năm thu hoạch tới trên 30 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, tính ra tổng thu nhập của gia đình lên tới trên 100 triệu đồng/năm.

Đánh giá về mô hình kinh tế của gia đình anh Hiệu, ông Nông Văn Tỉn, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết, đây là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu nhất ở địa phương. Thành công của mô hình một phần là do gia đình đã mạnh dạn có những bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó là sự cần cù, chịu khó, quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng của gia đình anh Hiệu. Đây thực sự là một mô hình tiêu biểu để các hộ dân trong xã có thể học tập làm theo, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương.

ĐÌNH QUYẾT