Thứ năm,  19/09/2024

Biến “rồng xanh” thành tiền vàng

LSO-Ý tưởng trồng cây thanh long đến với anh Đặng Văn Nguyên, khu 10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình mà anh nói vui là “rồng xanh” hết sức tình cờ.

LSO-Ý tưởng trồng cây thanh long đến với anh Đặng Văn Nguyên, khu 10, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình mà anh nói vui là “rồng xanh” hết sức tình cờ. Cách đây 14 năm, từ tán thanh long đầu tiên được gây trồng, giờ đây vườn thanh long của gia đình anh đã có trên 300 cây, trong đó khoảng 150 cây đã cho thu hoạch, mỗi năm có 3 – 4 lứa quả, thu về khoảng 60 triệu đồng/năm.

Anh Nguyên năm nay đã ngoài 40 tuổi, bố anh quê gốc ở thành phố Hải Phòng, lên Lạng Sơn lập nghiệp từ những năm 60 của thế kỷ trước; bố mẹ anh đều từng là công nhân Mỏ than Na Dương. Ngày trước, lương công nhân của bố mẹ anh dù thấp song cũng giúp gia đình cải thiện phần nào cuộc sống, nhưng sau khi bố mẹ anh nghỉ chế độ, đời sống gia đình anh trở nên khó khăn hơn. Gia đình chỉ có khoảng 3.000m² đất đồi, 6 sào ao thả cá, đất ruộng không có. Đất đai đã ít mà chủ yếu là đất đồi khô cằn nên rất khó sử dụng phát triển trồng trọt. Vì vậy, khoảng từ năm 1999 – 2006, 2 vợ chồng anh thường xoay sở qua nhiều công việc khác nhau như buôn bán rau, phụ xây… song đời sống vẫn rất chật vật. Không cam chịu nghèo khó, anh Nguyên quyết tâm vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Một lần tình cờ sang nhà hàng xóm, thấy người ta có cây thanh long ruột trắng gốc miền Nam (do người thân trong đó gửi ra) phát triển rất tốt, quả lại thơm ngon, anh đã xin một tán về trồng thử. Tín hiệu đáng mừng là cây phát triển bình thường, sai quả, đặc biệt có từ 3 – 4 lứa quả/năm. Sau khi tìm hiểu qua sách báo, mạng internet, anh nhận thấy thanh long là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, vì thế đã quyết định tỉa cành, cắt tán đem trồng trên diện rộng, mang tính hàng hóa. Ngay trong năm 2009, anh trồng được 100 cây, đến năm 2012 phát triển lên hơn 300 cây. Trong đó, trên 150 cây đã cho thu hoạch 2 năm nay. Anh Nguyên vui vẻ kể với chúng tôi, năm ngoái, với giá dao động từ 25 – 30 nghìn đồng/kg, gia đình đã thu về được khoảng 60 triệu đồng. “Chỉ hơn 150 cây thanh long mà giúp gia đình anh thu về những 60 triệu đồng?”, thấy tôi ngạc nhiên, anh Nguyên bảo: “có cây được những 50 quả, trung bình mỗi quả nặng khoảng nửa cân, đặc biệt đây là thanh long ruột trắng gốc miền Nam được thị trường ưa chuộng và được giá hơn các loại thanh long khác…”.

Theo anh Nguyên, thanh long là cây ăn quả dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sẽ phát triển không kém gì thanh long miền Nam. Ở Lạng Sơn, nên trồng thanh long vào khoảng tháng 10 dương lịch, lúc này lượng mưa đã giảm hẳn, phù hợp với thời kỳ sinh trưởng và phát triển cành chồi của thanh long. Cột trụ cho cây bám nên sử dụng cột bê tông; mỗi năm nên kết hợp bón cả phân chuồng lẫn phân hữu cơ từ 6 – 8 lần; trường hợp nếu cây bị vàng lá hay thối lá, chỉ cần cắt bỏ phần lá đã mắc bệnh là cây lại phát triển bình thường… Bằng sự nỗ lực và không ngừng học hỏi của bản thân, sự đoàn kết của các thành viên trong gia đình mà anh Nguyên đã biến diện tích đất khô cằn trước đây thành vườn cây thanh long – những con “rồng xanh” mang lại hiệu quả kinh tế cao như hiện nay. Ngoài ra, gia đình anh còn duy trì nuôi 3 lợn nái, mỗi năm xuất 3 lứa lợn thịt và đầu tư thả cá, tổng thu nhập bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/năm.

Ông Hoàng Văn Phong, Chủ tịch UBND thị trấn Na Dương cho biết: nhờ năng động, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nổi bật là trồng thành công giống thanh long ruột trắng miền Nam, từ chỗ là hộ khó khăn của thị trấn, đến nay, gia đình anh Nguyên đã vươn lên trở thành hộ khá, góp phần vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Tấm gương phát triển kinh tế như anh Nguyên chúng tôi sẽ vận động tuyên truyền để nhân dân địa phương học hỏi, nhất là trong việc trồng cây thanh long.

HOÀNG HUẤN