Thứ năm,  19/09/2024

Gặp người quai búa nửa thế kỷ

LSO-Trên con phố Xương Giang ở thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng, hằng ngày, người ta vẫn nghe tiếng quai búa vang vọng của ông Nguyễn Tô Lịch, người đã 50 năm gắn bó với nghề rèn.

Ông Lịch giới thiệu các mặt hàng do ông làm ra

Tìm gặp ông trong một chiều đông, hơi ấm của lò rèn như xua tan giá lạnh. Bên ánh lửa bập bùng, ông Lịch đang rèn chiếc dao quắm, loại dao phổ biến mà người dân quê tôi hay dùng để lên rừng phát cỏ. Dù ông đã ngoài 60 tuổi nhưng đôi tay ấy vẫn nhanh nhẹn, dẻo dai lạ thường, ông vung búa lên rồi đanh nện xuống đe chính xác, mạnh mẽ, cứ thế lặp lại hàng chục lần mới nghỉ tay. Đối với ông, tiếng quai búa vang rền đã trở thành nhịp đập đều đặn của cuộc sống thường ngày.

Ông Lịch chia sẻ: Nghề rèn vất lắm, giờ còn mấy ai theo nghề này nữa đâu. Lúc nhỏ, do mẹ mất sớm nên tôi về làm con nuôi cho một gia đình họ hàng. Bên cạnh nhà có một lò rèn nên từ thuở bé, tôi đã say mê với việc rèn giũa dao, cuốc .Năm 1968, chàng trai 16 tuổi tham gia vào hợp tác xã rèn của huyện. Lúc bấy giờ ở huyện có 7 hợp tác xã rèn, các lò rèn phải di chuyển liên tục nhưng luôn đỏ lửa. Nghĩ lại thuở ấy, ông mỉm cười kể chuyện: Có thời kỳ lò rèn của tôi chuyển vào thôn Cốc Mò ngay cạnh một trường học. Cứ giờ ra chơi, lũ trẻ con lại ào đến lò của ông để sưởi lửa. Đến nay, nhiều đứa trẻ đã trưởng thành và vẫn nhớ đến tôi với rất nhiều kỷ niệm.

Vào năm 1979, ông tham gia nhập ngũ tại Trung đoàn 199 (đóng quân ở Tri Phương, Tràng Định) với nhiệm vụ sản xuất nông cụ phục vụ cho sinh hoạt, lao động của bộ đội. Qua 3 năm, ông lại trở về quê hương tiếp tục gắn bó với nghề rèn.

Thời kháng chiến, nguyên liệu để rèn chủ yếu là thép xây dựng, thép từ những mảnh vỡ máy bay. Khi những nguyên liệu này ít dần, ông chuyển sang dùng nhíp ô tô. Ông cho biết: Để rèn được một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn mà chủ yếu là làm thủ công nên rất cực. Người không biết rèn thì có đánh mãi cũng không thể biến thanh nhíp từ dày thành mỏng.

Chia sẻ về công đoạn khó nhất trong nghề rèn, ông Lịch cho biết: Hai công đoạn khó nhất trong nghề rèn là tạo phôi và tôi sản phẩm. Miếng nhíp sau khi nung đỏ, dùng búa đập mỏng để tạo phôi thì phải bỏ vào tôi cho cứng lại. Đây là công đoạn quan trọng nhất. Người thợ phải tôi vừa lửa bởi nếu tôi non sẽ không đủ cứng, tôi già sẽ bị giòn.

Kì công là vậy nên một chiếc dao chặt nhà ông có giá từ 80.000 đến 100.000 đồng. So với dao sản xuất công nghiệp, giá bán dao nhà ông đắt hơn nhưng lại bền và sắc hơn. Ông Đặng Văn Thật, thôn Bãi Vàng, xã Đồng Tân cho biết: Gia đình tôi đã dùng dao của nhà ông Lịch hai chục năm nay, dao nhẹ, lưỡi sắc mà bền. Nếu dùng lâu dao bị sứt mẻ thì nhà lại mang cho ông ấy tôi lại.

Trong thập niên 70, 80 thế kỷ trước, rèn là nghề quan trọng, khắp phố huyện bấy giờ đều có tiếng quai búa. Tuy nhiên, hiện nay dọc các con phố chỉ vang tiếng khoan cắt nhôm, sắt, i-nox, nghề rèn đã mai một. Cả huyện giờ còn 3 lò rèn, trong đó chỉ có lò rèn nhà ông Lịch đỏ lửa quanh năm. Hằng tháng, thu nhập của ông từ 5 đến 7 triệu đồng.

Khi được hỏi đã bao giờ ông nghĩ sẽ bỏ nghề không? Ông mỉm cười đáp: Tôi yêu nghề, chỉ khi nào không cầm nổi búa để rèn tôi mới nghỉ, ngày nào không làm tôi thấy rất nhớ nghề. Nếu sau này không rèn nữa thì mong là ở phố huyện này sẽ vẫn có người thật sự yêu nghề rèn, làm ra được những con dao, cái cuốc thật bền, thật sắc, phục vụ đời sống hằng ngày của bà con.

PHƯƠNG DUNG