Thứ năm,  19/09/2024

Hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi

LSO-Chị Hoàng Thị Tiệp, hội viên Hội LHPN xã Đại Đồng, huyện Tràng Định - một phụ nữ năng động, nhạy bén, dám nghĩ dám làm là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế hộ gia đình với mức thu nhập bình quân 3 - 4 trăm triệu đồng mỗi năm. 
Chị Hoàng Thị Tiệp, thôn Nà Phái, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định thu hoạch nấm

Chị Tiệp sinh năm 1975, tại thôn Nà Phục, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định trong một gia đình thuần nông. Với bản tính cần cù, chịu khó, năm 1994, sau khi lập gia đình, chị chăm chỉ làm việc ruộng vườn, rồi lúc nông nhàn thì đi buôn gà vịt để kiếm thêm thu nhập. Khi đó, nhận thấy nhu cầu cần xát thóc của bà con trong xóm, chị lại mua máy xát về, vừa tiện cho việc nhà, vừa phục vụ bà con trong thôn xóm.

Bốn năm sau, thấy buôn bán khó khăn, chị bàn với chồng vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư mua máy nghiền đá, sản xuất gạch không nung. Từ đó đến nay, xưởng gạch của chị luôn duy trì từ 2 đến 4 thợ làm, với ngày công trung bình 200 nghìn đồng/người/ngày.

Năm 2012, từ một buổi tập huấn về khoa học kĩ thuật, hướng dẫn kĩ thuật trồng nấm, chị Tiệp bắt đầu nung nấu ý tưởng với nghề mới. Từ đó, chị lên kế hoạch cụ thể đi học tập, tham quan các mô hình trồng nấm ở thành phố Lạng Sơn. Đặc biệt, để học được nghề, ban ngày chị đi làm thuê, tối về phụ giúp họ đóng bầu (không được trả công)… ròng rã cả tháng trời. Cùng với đó, chị đến Viện Di truyền nông nghiệp Trung ương để tìm hiểu về bầu giống và liên hệ đặt mua. Sau đó, chị mạnh dạn vay vốn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển nghề trồng nấm. Chị Tiệp tâm sự: Ban đầu, tôi mở xưởng diện tích 100 m2, sản xuất 6.000 bịch nấm, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đợt đầu bị hỏng hơn 1.000 bịch. Nhưng không nản lòng, tôi vừa làm vừa nghiên cứu thêm, đến nay, một năm đã làm được 2 vụ nấm. Mùa đông thì làm nấm sò xám, mùa hè làm nấm sò trắng để phù hợp với thời tiết, khí hậu và duy trì được nghề quanh năm.

Sản phẩm nấm đầu tiên làm ra được bán cho người dân quanh vùng. Tuy nhiên, có những đợt nấm được thu đồng loạt, chị phải thu hái và mang đi các chợ phiên, chợ huyện. Có những hôm phải dậy từ 5 giờ sáng đi khắp các chợ như: Văn Mịch, Đông Khê, Bình Độ…để bán cho chạy hàng. Nhờ đó, khách cũng biết đến cơ sở của chị nhiều hơn. Năm 2015, có vốn, chị lại mở thêm một xưởng làm nấm 100 m2 nữa, nâng quy mô sản xuất lên 12.000 bịch. Từ ngày mở xưởng nấm đến nay, chị Tiệp đã tạo được việc làm ổn định cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân 3,6 triệu đồng/người/tháng, với khoảng 8 tháng/năm. 

Đến nay, sau khoảng 5 năm trồng nấm, chị đã có một lượng khách hàng quen ở các vùng lân cận như: Văn Lãng, Bình Gia, Cao Bằng, Bắc Kạn… Nhờ sự chịu thương, chịu khó, từ sản xuất gạch và trồng nấm, hiện nay, trung bình mỗi năm, trừ các chi phí, gia đình chị thu nhập khoảng 300 đến 400 triệu đồng.

Nhận thấy mô hình sản xuất nấm của gia đình chị Tiệp mang lại hiệu quả, đã có nhiều hộ gia đình đến tham quan, học hỏi. Mỗi dịp như vậy, chị lại sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kĩ năng, cũng như kinh nghiệm để mọi người cùng làm. 

Bà Nguyễn Thị Thành, Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Đồng cho biết: Chị Hoàng Thị Tiệp, chi hội thôn Nà Phái là một hội viên tiêu biểu với sự năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Trong các phong trào, hoạt động luôn tham gia đầy đủ, nhiệt tình.

Với những cố gắng, nỗ lực vươn lên không ngừng của chị Tiệp, tháng 6/2017, gia đình chị đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong trong trào thi đua, sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

NGUYỄN PHƯƠNG