Thứ năm,  19/09/2024

Làm giàu từ trồng măng tây

(LSO) – Bằng sự năng động, cần cù, sáng tạo, anh Đặng Văn Cương, thôn Kim Quán, xã Đình Lập, huyện Đình Lập đã tìm hiểu và trồng thành công cây măng tây, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là mô hình đầu tiên trồng măng tây theo quy mô hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

Anh Cương sinh năm 1989, tại xã Đình Lập, huyện Đình Lập. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp PTTH anh học khoa Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Kết thúc 4 năm đại học với tấm bằng khá trong tay, anh về  làm cán bộ phụ trách địa chính của xã. Đến tháng 4/2016, anh chuyển sang làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Qua thời gian làm việc, gần gũi với bà con nông dân, anh trăn trở  muốn tìm ra một cây trồng mới, có hiệu quả để vừa tận dụng đất ruộng bỏ hoang, vừa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Anh Đặng Văn Cương, thôn Kim Quán, xã  Đình Lập, huyện Đình Lập chăm sóc cây măng tây

Anh chia sẻ: Một lần tình cờ lên mạng Internet, tôi biết đến cây măng tây. Sau khi nghiên cứu, tôi thấy đặc điểm tự nhiên và khí hậu của địa phương mình có thể phát triển được nên tôi đã lựa chọn mua loại giống phù hợp để ươm và trồng thử nghiệm 0,7 sào. Thế rồi, vừa làm vừa học hỏi, vướng mắc ở đâu, tôi bổ sung kiến thức ở đó bằng cách nghiên cứu tài liệu của công ty (cung cấp cây giống); theo dõi các phóng sự hướng dẫn trên truyền hình…

Tháng 4/2017, vườn măng tây của anh Cương cho thu những sản phẩm đầu tiên. Khi đó, cây trồng này hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm với tất cả mọi người nên những cây măng đầu tiên anh dành để biếu người thân, anh em, bạn bè ăn thử. Thấy măng tây ngon, ngọt tự nhiên và giàu dinh dưỡng nên mọi người đã giới thiệu cho nhau và chủ động tìm, đặt mua… Khi đó, vào chính vụ thu hoạch mỗi ngày, gia đình anh thu được từ 3 đến 5 kg măng. Với giá bán từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg, gia đình anh có thu nhập từ 300 đến 400 nghìn đồng/ngày.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, tháng 9/2017, anh mạnh dạn vay của người thân 50 triệu đồng để trồng thêm 7 sào măng tây và đầu tư hệ thống tưới nước tự động. Anh cho biết thêm: Cây măng tây tuy dễ trồng nhưng lại đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật khắt khe ở khâu chăm sóc, bảo vệ. Chính vì vậy, khi trồng nếu phát hiện sâu bệnh phải bắt sâu bằng tay; sử dụng các loại như: gừng, tỏi, ớt để ngâm rượu, phun phòng chống sâu bệnh cho cây…

Hiện nay, gia đình anh Cương trồng gần 8 sào măng tây. Trung bình mỗi ngày, gia đình anh thu được từ 25 đến 30 kg măng và thu đến đâu bán hết đến đó; có những hôm còn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách… Đến nay, khách hàng của anh không chỉ trong huyện mà còn có cả các nhà hàng và tư thương ở thành phố Lạng Sơn, ở Quảng Ninh… chủ động tìm mua.

Từ mô hình kinh tế mới, hiệu quả; sản phẩm có giá bán cao và ổn định, sau khi trừ chi phí, cây măng tây mang lại cho gia đình anh Cương thu nhập khoảng 300 – 350 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, anh dự định sẽ trồng thêm 3 sào, góp phần nâng cao thu nhập. Đồng thời, hướng tới ươm cây giống để bán cho bà con có nhu cầu; hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm cho mọi người.

Ông Sái Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Anh Cương là cán bộ trẻ năng động, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao. Đặc biệt, từ năm 2016, ngoài công việc được phân công tại xã, tranh thủ thời gian rảnh, anh Cương chuyên tâm tìm hiểu, nghiên cứu để phát triển kinh tế gia đình từ cây măng tây. Mô hình kinh tế của anh Cương hiện đang là mô hình mới và tiêu biểu nhất của xã Đình Lập. Mô hình bước đầu thành công đã góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nhân dân trong xã.

NGUYỄN PHƯƠNG