Thứ năm,  19/09/2024

Nghệ nhân say mê với nghề làm đàn tính

LSO- Đó là ông Hoàng Văn Thạch (70 tuổi), ở thôn Quán Hồ, xã Hoàng Đồng. Với niềm đam mê hát Then, ông đã tự học hỏi cách làm đàn tính. Hiện nay, sau hơn 10 năm gắn bó với công việc làm đàn tính, ông đã tạo ra hàng trăm cây đàn để phục vụ người yêu then trong và ngoài tỉnh.


Nghệ nhân Hoàng Văn Thạch xử lý quả bầu để làm bầu đàn

Bà Vi Thị An, 56 tuổi, dân tộc Tày, ở tại thôn Khuổi Mươi, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc cho biết: “Ông Thạch làm đàn tính rất giỏi, am hiểu rất nhiều làn điệu then. Tôi rất đam mê hát then nên đã tìm đến nhà ông Thạch để mua một cây đàn về tập, đàn của ông làm rất đẹp và tiếng rất hay”.

Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở thôn Quán Hồ, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, trong một gia đình yêu các làn điệu dân ca truyền thống, từ nhỏ, ông Thạch đã được đắm mình trong những câu then, câu lượn của các bà, các mẹ. Những ngày lễ hội, chúc thọ hay lên nhà mới, ông thường theo các cụ đi khắp các bản làng trong vùng nghe hát. Năm 1971, ông tìm đến nghệ nhân Linh Văn Noọng ở huyện Văn Quan để học hát then. Năm 2008, ông trở thành hội viên của Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn và tham gia lớp hát then do NSƯT Thủy Tiên trực tiếp giảng dạy. Đến năm 2009, với niềm đam mê sẵn có, ông bắt đầu tìm hiểu mày mò cách làm đàn tính. Hiện nay, ông là một trong hai người trên địa bàn thành phố Lạng Sơn làm được đàn tính có chất lượng tốt về cả hình dáng và âm thanh. “Đàn tính với tôi như một người bạn, có thể tâm tình lúc vui lúc buồn”. – ông Thạch chia sẻ.

Đàn tính là loại nhạc cụ rất khó làm, chính vì vậy, các công đoạn chế tác đòi hỏi người nghệ nhân phải thực sự kiên trì, khéo tay thì mới cho ra những cây đàn có chất lượng. Đàn tính thuộc loại đàn dây, gồm ba bộ phận chính: bầu đàn, cần đàn và dây đàn. Bầu đàn được làm từ những quả bầu già, tròn, rỗng ruột, kích thước vừa phải. Cần đàn làm bằng các loại gỗ dẻo được đẽo công phu, đánh giáp cho bóng, có chiều dài trung bình từ 80 cm – 1 m tùy theo sải tay của người chơi. Dây đàn thường được sử dụng từ các loại dây nhựa của nước ngoài có độ bền cao, trước kia hay dùng sợi tơ vuốt sáp ong rất dễ đứt, dài từ 65 đến 70 cm. Theo ông Thạch, mỗi vùng miền, địa phương làm đàn tính không giống nhau, mỗi người lại sáng tạo nên cây đàn mang dấu ấn cá nhân nhưng âm thanh của đàn là quan trọng nhất. Tiếng tính vang lên lúc trầm, lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc khoan thai chứ không được rè, bục. Trong 3 dây đàn, dây giữa hơi chùng tạo âm trầm. Người làm đàn đục lỗ ở mặt trước và hai bên bầu đàn thì âm mới vang.

Mỗi năm, ông Thạch làm từ 50 đến 60 cây đàn với giá bán 800.000 đồng/chiếc. Đàn tính do nghệ nhân Hoàng Văn Thạch làm ra được người dân, các câu lạc bộ hát then trên địa bàn tỉnh thường xuyên tìm đến mua, khách hàng ở các tỉnh như: Bắc Giang, Cao Bằng,… tìm về tận nhà ông đặt hàng. Ngoài khả năng chế tác được đàn tính, ông Hoàng Văn Thạch vẫn thường xuyên đi truyền dạy cho các câu lạc bộ hát then ở địa bàn xã Hoàng Đồng và thành phố Lạng Sơn. Ông còn am hiểu và biểu diễn được các làn điệu dân ca âm nhạc truyền thống của đồng bào Tày, Nùng như quan làng, lượn, cỏ lẩu, sli,…

Ông Vi Hồng Nhân, Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn đánh giá: “Ông Hoàng Văn Thạch là hội viên rất tích cực của hội trong việc gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca. Ông là một trong số ít những người hiện nay ở thành phố Lạng Sơn còn biết làm đàn tính.

Trước sự du nhập mạnh mẽ của các dòng nhạc và nhạc cụ hiện đại vào đời sống, những người như ông Hoàng Văn Thạch đang góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Mong rằng trong thời gian tới, những việc làm của ông Thạch sẽ được ghi nhận và nghề làm đàn tính có lớp truyền nhân kế cận.

HOÀNG HIẾU