Thứ năm,  19/09/2024

Làm giàu từ mô hình chế biến nông sản

LSO-Đó là chị Hoàng Hồng Nhung (sinh năm 1994), thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng. Chị là gương điển hình sản xuất giỏi, vươn lên làm giàu, mang về lợi nhuận cho gia đình hơn 600 triệu đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. 


Chị Hoàng Hồng Nhung đóng hộp sản phẩm tinh bột nghệ

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, chị Hoàng Hồng Nhung thấu hiểu nỗi vất vả của những người nông dân khi sản xuất ra nông sản nhưng tiêu thụ lại gặp khó khăn, cùng với đó là nhu cầu thay đổi để nâng cao đời sống gia đình. Chị Nhung đã trăn trở tìm hướng đi cho gia đình bằng việc phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và truyền thống hơn 15 năm sản xuất, chế biến tinh bột nghệ của gia đình để đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất và phát triển sản phẩm tinh bột nghệ Hồng Nhung.

Chị Nhung cho biết: Nhận thấy người dân trên địa bàn xã trồng cây gừng, nghệ nhiều, tuy nhiên, đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Trong khi đó, thấy nhu cầu chữa bệnh và nhu cầu làm đẹp từ sản phẩm thiên nhiên tăng cao, sau khi suy nghĩ, tìm tòi, năm 2016, tôi quyết định đầu tư máy móc để sản xuất các sản phẩm từ gừng, nghệ, đặc biệt là tinh bột nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo đó, mỗi năm, cơ sở của chị Nhung thu mua gần 1.000 tấn gừng, nghệ của người dân. Sau khi thu mua, cơ sở chế biến gừng, nghệ lát sấy khô và sản xuất tinh bột nghệ. Với quy trình sản xuất, chế biến sạch, chất lượng sản phẩm tốt và những lợi ích, công dụng tinh bột nghệ mang lại cho sức khỏe, tinh bột nghệ Hồng Nhung luôn giữ được chữ tín trên thị trường và được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước như Cao Bằng, Bắc Giang, Hà Nội… Sản phẩm gừng, nghệ lát sấy khô cũng được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hà Lan. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất, tiêu thụ từ 2 đến 3 tấn tinh bột nghệ; trên 90 tấn gừng, nghệ lát. Đặc biệt, tháng 1/2020, sản phẩm tinh bột nghệ hữu cơ Hồng Nhung đã được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ngoài chế biến sản phẩm từ gừng, nghệ, đầu năm 2020, cơ sở của chị Nhung còn thu mua và chế biến trà bí đao. Riêng vụ bí năm 2020, chị Nhung đã thu mua trên 30 tấn bí xanh của người dân trên địa bàn xã để đưa ra thị trường. Nhờ đó, nâng cao được giá trị sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện.

Từ sản xuất hiệu quả, doanh thu của cơ sở đều tăng dần qua các năm: năm 2017 đạt 600 triệu đồng; năm 2018 đạt 800 triệu đồng; năm 2019 đạt 1 tỷ đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, chị Nhung còn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho các chị em trên địa bàn xã, tạo việc làm cho 8 – 10 lao động có thu nhập ổn định từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời tạo mối liên kết, tiêu thụ nguồn sản phẩm nông sản nguyên liệu lớn cho hàng trăm hộ dân trong và ngoài xã, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.

Nói về định hướng trong thời gian tới, chị Nhung cho biết: Cơ sở tiếp tục tuyên truyền người dân mở rộng diện tích một số loại nông sản để tăng nguồn nguyên liệu, qua đó mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tiếp tục phát triển, giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP tinh bột nghệ Hồng Nhung trên thị trường.

Bà Linh Thị Ánh Nguyệt, Bí thư Đảng ủy xã Quan Sơn cho biết: Chị Nhung là phụ nữ năng động, sáng tạo, đảm đang, tháo vát, tích cực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của xã để nhiều chị em trên địa bàn xã học tập, làm theo. Chị là một trong những gương điển hình tiên tiến được nhận bằng khen của UBND tỉnh tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lạng Sơn lần thứ V giai đoạn 2020 – 2025. Mong rằng, trên địa bàn xã sẽ có nhiều tấm gương như chị Nhung để kinh tế – xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

CẨM HÀ - HIỂU LAM