Thứ năm,  19/09/2024

Chị Bình năng động phát triển kinh tế

– Nhờ sự cần cù, ham học hỏi, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chị Trần Thị Bình, thôn Tằm Lịp, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình đã xây dựng thành công mô hình kinh tế mang về thu nhập đáng kể cho gia đình mỗi năm.

Chị Trần Thị Bình, sinh năm 1987, ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Năm 2013, chị theo chồng về làm dâu ở thôn Tằm Lịp, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình. Những ngày đầu mới xây dựng gia đình, vợ chồng chị chỉ biết trồng ngô, lúa, thu nhập thấp nên dù làm việc chăm chỉ, cuộc sống vẫn rất khó khăn. Với quyết tâm vượt khó, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, hai vợ chồng chị Bình bàn bạc chuyển diện tích đất trồng ngô, lúa năng suất thấp sang trồng những cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chị Trần Thị Bình treo bẫy bả ruồi vàng

Năm 2014, nhận thấy bạn bè có mô hình trồng bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế, vợ chồng chị Bình đã về tận Hưng Yên mua hơn 400 cây giống về trồng. Mới đầu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên cây còi cọc, sâu bệnh, chết dần còn hơn 350 cây. Để khắc phục, vợ chồng chị đã tìm hiểu trên internet, hỏi bạn bè, nhà vườn cung cấp giống để nắm được quá trình sinh trưởng của cây và kĩ thuật chăm sóc, từ đó áp dụng vào thực tiễn, vườn cây ăn quả của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc bưởi Diễn, chị Bình cho biết: Bưởi Diễn nếu chăm bón tốt, hai năm đã bắt đầu bói quả. Nhưng những năm đầu, gia đình tôi không để quả mà tập trung tạo tán cho cây. Từ năm thứ tư trở đi, chúng tôi mới bắt đầu để quả và tăng dần tỉ lệ quả theo từng năm. Bưởi Diễn hay gặp các bệnh như: sâu vẽ bùa, sâu róm, nhện đỏ, rỉ sét, ruồi vàng. Để phòng bệnh, gia đình tôi thường quét vôi, phun thuốc nhện rệp 2 lần/năm, làm bẫy bả ruồi vàng. Để bưởi có vị ngọt thanh mát, tôi chú trọng bón phân chuồng hoai mục, phân vi sinh cho cây. Có năm không có phân chuồng, tôi mua gần 4 tạ đỗ tương về xay thành bột bón cho cây. Sau khi thu hoạch, tôi tiến hành dọn vườn, xới đất để tạo bộ rễ mới cho cây và bón phân chuồng để cây hồi phục.

Nhờ vậy, những năm gần đây, vườn bưởi của gia đình chị luôn phát triển tốt. Mỗi năm, gia đình chị thu được hơn 10.000 quả bưởi, với giá bán hơn 8.000 đồng/quả, mang về thu nhập hơn 80 triệu đồng/năm, cao gấp 3-4 lần so với trồng ngô, lúa. Vì thế, năm 2018, gia đình chị trồng thêm 100 cây bưởi diễn.

Mô hình trồng bưởi của gia đình chị Bình mang lại hiệu quả kinh tế nên bà con trong vùng đến tham quan học tập. Chị luôn nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và kết nối với nhà vườn cung cấp giống cho bà con. Hiện tại, ở thôn Tằm Lịp có 5 hộ tham gia trồng bưởi diễn với tổng diện tích hơn 2 mẫu, với gần 1.000 cây. Anh Hoàng Văn Hiến, ở cùng thôn cho biết: Thấy nhà chị Bình trồng bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế, gia đình tôi cũng trồng hơn 300 cây, bước đầu cho thu nhập 30 triệu đồng/năm.

 Ngoài trồng bưởi, mỗi năm, gia đình chị Bình còn duy trì mô hình chăn nuôi hơn 10 con lợn và trồng hơn 3.000 cây ớt. Từ mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt và chăn nuôi đã mang về cho gia đình chị thu nhập hơn 160 triệu đồng/năm.

Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, chị bình còn tích cực tham gia các hoạt động của thôn, xã như: trồng hoa, quét dọn đường làng ngõ xóm, nạo vét kênh mương…

Ông Vi Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình cho biết: Chị Trần Thị Bình là tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình ở địa phương. Mô hình trồng bưởi Diễn của gia đình chị mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động người dân nhân rộng mô hình này.

Với những kết quả đó, tháng 2/2021, chị Trần Thị Bình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.

THU DIỄM