Thứ năm,  19/09/2024

Các cấp bộ đoàn: Đa dạng hình thức tuyên truyền phòng, chống tội phạm

(LSO) – Thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Đề án 01/138 về  “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức và xây dựng các mô hình phát huy hiệu quả tích cực.

Mỗi tháng 1 lần, đội tuyên truyền ca khúc cách mạng Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức chương trình văn nghệ kết hợp tuyên truyền phòng chống tội phạm tại các xã trên địa bàn tỉnh. Tại chương trình, bên cạnh biểu diễn các ca khúc cách mạng, ban tổ chức chương trình kết hợp tuyên truyền bằng các tiểu phẩm, đố vui có thưởng, phát phim ngắn, trả lời các câu hỏi về công tác phòng, chống tội phạm… Nhờ đó, mỗi chương trình đều thu hút hàng trăm lượt người dân các xã đến xem cổ vũ. Hiện toàn tỉnh đã thành lập được 1 đội thanh niên xung kích cấp tỉnh, 11 đội thanh niên xung kích cấp huyện, thành phố.

Huyện đoàn Lộc Bình tặng con giống hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế

Anh Chu Văn Dũng, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình cho biết: Đến tham gia chương trình, tôi không chỉ được thưởng thức những ca khúc hay do đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) biểu diễn mà còn có thêm nhiều kiến thức về  phòng chống tội phạm, những phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm… Đây là hoạt động rất ý nghĩa, giúp chúng tôi nâng cao cảnh giác trước các loại tội phạm.

Anh Lăng Văn Chí, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Trong 10 năm qua, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống tội phạm. Để công tác này đạt được hiệu quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các đơn vị chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Cùng với đó, thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, ngành tư pháp… để tuyên truyền cho người dân về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, các văn bản pháp luật mới.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm  được triển khai linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng cụ thể như: học sinh, sinh viên, thanh niên nông thôn, thanh niên hoàn lương, thanh niên yếu thế… thông qua các câu lạc bộ tư vấn pháp luật, tổ, đội, nhóm phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội. Từ năm 2010 đến nay, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã tổ chức 2.620 hoạt động tuyên truyền, thu hút 125.390 lượt ĐVTN và Nhân dân tham gia. Cùng đó, các cấp bộ đoàn còn phát động phong trào “4 giảm” (giảm ma túy, mại dâm, giảm tội phạm và tai nạn giao thông) trong ĐVTN; vận động 100% gia đình trẻ không sinh con thứ 3, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, không bao che, chứa chấp tội phạm.

Nổi bật trong công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư giai đoạn 2010 – 2020 là các mô hình tuyên truyền, trợ giúp pháp lý; câu lạc bộ thắp sáng niềm tin; chương trình thắp sáng ước mơ hoàn lương; giúp đỡ thanh niên chậm tiến… Toàn tỉnh đã thành lập 29 câu lạc bộ thanh niên với pháp luật, phòng chống tội phạm với hơn 1.000 ĐVTN tham gia, trực tiếp tuyên truyền tại cơ sở. Với nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Tại các huyện: Hữu Lũng, Văn Quan, Lộc Bình, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn đã có 5 câu lạc bộ thắp sáng niềm tin được thành lập với 50 thành viên là thanh niên hoàn lương, thanh niên cai nghiệm ma túy trở về cộng đồng. Tỉnh đoàn, huyện đoàn đã hỗ trợ những trang thiết bị cần thiết để mở điểm rửa xe, bán nước giải khát… nhằm tạo thu nhập, hỗ trợ thanh niên ổn định cuộc sống. Hằng năm, Tỉnh đoàn tổ chức Chương trình Thắp sáng ước mơ hoàn lương với các hoạt động thi viết thư “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, tuyên truyền pháp luật, khám sức khỏe, giao lưu văn nghệ, thể thao tại Trại Tạm giam Công an tỉnh và Cơ sở cai nghiện ma túy. Qua đó, giúp phạm nhân, người đang cai nghiện giao lưu với thanh niên, tạo động lực để họ vượt qua mặc cảm, vươn lên trong lao động, cải tạo, sớm hoàn nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Đặc biệt, mô hình thanh niên chậm tiến được triển khai tại tất cả các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc. Mục tiêu của mô hình là cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh niên chậm tiến, thanh niên có nguy cơ vi phạm pháp luật, tham gia vào các tệ nạn xã hội… Trong những năm qua, mỗi đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn đã đăng ký giúp đỡ 1 – 2 thanh niên chậm tiến tiến bộ, có địa chỉ cụ thể. Đến nay, toàn tỉnh có 2.210 thanh niên chậm tiến được đăng ký giúp đỡ và có nhiều tiến bộ. Nhiều thanh niên sau khi được giúp đỡ đã tránh xa con đường vi phạm pháp luật, tích cực phát triển kinh tế gia đình.

Công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm là hoạt động thường xuyên, liên tục, vì vậy, thời gian tới, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh tiếp tục triển khai sâu rộng hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các tầng lớp Nhân dân. Cùng đó, nhân rộng các mô hình hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, giúp đỡ thanh niên yếu thế, thanh niên chậm tiến.

HOÀNG VƯƠNG