Thứ sáu,  20/09/2024

Chuyên nghiệp hóa bóng đá: Cần giải pháp dài hơi

(LSO) – Thời gian qua, phong trào bóng đá trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh vẫn chưa có đội bóng chuyên nghiệp, đủ mạnh để tham dự các giải khu vực và quốc gia. Đã đến lúc việc phát triển bóng đá cần có những định hướng, giải pháp lâu dài để có sức cạnh tranh với nhiều địa phương trên toàn quốc.

Hiện nay, phong trào tập luyện, thi đấu bóng đá tại thành phố Lạng Sơn và các huyện đều phát triển rộng khắp, ngoài hàng trăm câu lạc bộ (CLB) hoạt động tương đối bài bản thì sự phát triển của các đội bóng “phủi” cũng rất mạnh mẽ. Điều này có thể nhận thấy khi đến các sân bóng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và các huyện như: Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng… vào mỗi buổi chiều với số lượng cầu thủ và khán giả đông đảo. Điều đó cho thấy tình yêu và niềm đam mê của tuổi trẻ Lạng Sơn với môn thể thao “vua” là rất lớn…  Anh Hứa Hoàng Anh, đội bóng đá Sở Giao thông – Vận tải, cầu thủ xuất sắc nhất giải bóng đá khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn năm 2019 chia sẻ: Tham dự nhiều giải đấu trong những năm gần đây, tôi nhận thấy phong trào bóng đá hiện nay rất tốt và trình độ của các đội ngày càng đi lên. Tuy nhiên, qua cọ sát với một số đội bóng các tỉnh khác thì tôi thấy rất khó để cạnh tranh vì họ được đào tạo, tập luyện bài bản hơn.

Các cầu thủ tham gia thi tài trong một trận bóng ở giải đấu do thành phố Lạng Sơn tổ chức

Theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện có 25 CLB là thành viên chính thức của liên đoàn và hàng trăm CLB lớn nhỏ do các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp tự thành lập. Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều giải thi đấu giao lưu, phong trào thu hút đông đảo đội bóng và người hâm mộ tham gia, theo dõi. Trong đó có nhiều giải chất lượng, xuất hiện nhiều tài năng bóng đá trẻ, có tiềm năng phát triển. Thế nhưng sau một thời gian, các “hạt giống” này dần bị mai một do không có đội tuyển chuyên nghiệp tập luyện tập trung, thiếu cơ chế đãi ngộ và chính sách đào tạo, huấn luyện bài bản…

Ông Đồng Quang Sáng, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá tỉnh cho rằng: “Bóng đá Lạng Sơn hiện nay vẫn chỉ dừng ở mức phong trào chứ rất khó để tính đến chuyên nghiệp, vì các vấn đề về kinh phí, nhân tài, huấn luyện viên… còn đang rất hạn chế. Theo tôi, các cấp, ngành chức năng cần có cái nhìn toàn cảnh về bóng đá của tỉnh, từ đó xác định những giải pháp đồng bộ, lâu dài, chia thành các giai đoạn để thực hiện. Muốn phát triển nền bóng đá lên tầm chuyên nghiệp, không chỉ nhìn vào một, hai năm mà phải nhìn xa hơn, có thể đến 10 năm, 20 năm với cả một hệ thống đào tạo, tập luyện, huấn luyện… ở nhiều lứa tuổi”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, các tỉnh có nền bóng đá phát triển như: Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Gia Lai… đều có chiến lược quy hoạch và phát triển bóng đá bài bản. Theo đó, quy định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển nền bóng đá của tỉnh với nguồn kinh phí từ Nhà nước và từ nguồn xã hội hóa lên đến vài chục tỉ đồng mỗi năm. Trong khi đó, tại Lạng Sơn, theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá tỉnh, kinh phí hoạt động cho liên đoàn chỉ khoảng 100 triệu đồng/năm, nếu thêm các nguồn xã hội hóa thì có thể tới trên dưới 500 triệu đồng, con số này quả là “vẫn chưa thấm vào đâu”. Vậy, làm thế nào để giải bài toán phát triển bóng đá tỉnh nhà, quả là một câu hỏi khó!

Ông Dương Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Có thể phải mất nhiều thời gian để đưa bóng đá Lạng Sơn đến tầm chuyên nghiệp, và phải theo nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu là phát triển phong trào bóng đá rộng khắp, tập trung đầu tư cho thế hệ học sinh năng khiếu, chọn ra những vận động viên tiêu biểu gửi đến các “lò” đào tạo bóng đá lớn ở những tỉnh có nền bóng đá phát triển, để các em có cơ hội rèn luyện, thi đấu, thể hiện tài năng. Kế đó, khi phong trào đã vững mạnh thì cần tạo cơ chế, chính sách phù hợp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… đồng hành, ủng hộ cho sự phát triển của đội bóng cấp tỉnh ở nhiều lứa tuổi… Đồng thời, tích cực đưa đội tuyển đi thi đấu tại các giải đấu lớn và duy trì đội tuyển dưới nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu kiện toàn Liên đoàn Bóng đá tỉnh, sau đó phối hợp cùng liên đoàn xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể, tham mưu cho UBND tỉnh nhằm đẩy mạnh phát triển bóng đá phong trào để từng bước xây dựng đội tuyển bóng đá chuyên nghiệp của tỉnh.

Trước sự nhìn nhận của các cấp, ngành chức năng, mong rằng chiến lược phát triển bóng đá tỉnh Lạng Sơn sẽ sớm được đề ra và thực hiện. Hy vọng trong một tương lai không xa, sẽ có những lứa cầu thủ của Lạng Sơn được tham gia thi đấu các giải trong khu vực, tham dự các giải đấu cấp quốc gia mang lại niềm tự hào cho thể thao tỉnh nhà.

ĐẶNG DŨNG