Thứ sáu,  20/09/2024

Chủ động phòng, chống sạt lở đất đá

LSO- Những ngày đầu tháng 7/2018, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đưa ra cảnh báo về nguy cơ lũ quét, đặc biệt là sạt lở đất đá đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lạng Sơn.

     Có hơn 1.000 điểm nguy cơ sạt lở đất đá

Theo khảo sát mới nhất, toàn tỉnh hiện có trên 1.000 điểm sạt lở đất đá. Tìm hiểu được biết, các điểm lở đất đá tập trung nhiều ở địa bàn huyện Tràng Định (276 điểm, chiếm 27,3%), đứng thứ 2 là huyện Bình Gia (189 điểm, chiếm 18,69%), tiếp đến là huyện Văn Lãng (162 vị trí, chiếm 16,02%), Lộc Bình (130 vị trí), Văn Quan (75 vị trí), Đình Lập (48 vị trí)… Các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, có quy mô đặc biệt lớn và rất lớn được cơ quan chức năng xác định là ở địa bàn các huyện: Tràng Định, Bình Gia, Đình Lập, Lộc Bình, Văn Quan.

Khắc phục sạt lở đất trên Quốc lộ 1B (thuộc địa bàn huyện Văn Quan)

Ông Chu Văn Hải, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Theo bộ bản đồ về hiện trạng sạt lở đất đá khu vực 17 tỉnh và phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá khu vực 10 tỉnh do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng vừa được chuyển giao đợt 3 cho tỉnh, Lạng Sơn có số điểm sạt lở đất đá ở nhóm thấp, tuy vậy, các điểm sạt lở thì lại được cảnh báo ở mức khá cao.

Trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã xuất hiện một số vụ sạt lở đất đá khá nghiêm trọng. Trong đó vụ gây hậu quả nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 17/9/2014 tại khu vực gần Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, thuộc thôn Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc làm 6 người chết. Ngoài ra, tháng 7 trong năm 2015, 2016 cũng đều có vụ sạt lở đất khiến một số người bị thương vong.

     Thực hiện đồng bộ 4 giải pháp

Theo cảnh báo từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mặc dù thời điểm này thời tiết nắng nóng, nhưng thời gian tới có thể sẽ có nhiều đợt mưa lớn. Toàn tỉnh có 3 hệ thống sông chảy qua, gồm: sông Kỳ Cùng (hệ thống sông Tây Giang); sông Thương, sông Hóa, sông Trung, sông Lục Nam (hệ thống sông Thái Bình); sông Phố Cũ, sông Đồng Quy (hệ thống sông ngắn Quảng Ninh). Do đặc điểm này, nên vào mùa mưa có thể sẽ có lũ lớn xảy ra trên các sông, suối và lũ quét cục bộ tại một số khu vực.

San vỉa những quả đồi cao có nguy cơ sạt lở trên địa bàn huyện Văn Lãng

Ngày 15/5/2018, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo đó, một trong những loại hình thiên tai có khả năng ảnh hưởng trên địa bàn là sạt lở đất đá. Do vậy, để phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành: giao thông vận tải, xây dựng, viễn thông, công an, quân đội… chuẩn bị phương án phòng, chống bão, lũ quét, sạt lở đất đá trong thời gian tới với mục tiêu: đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt và lực lượng cơ động ứng cứu khi cần thiết. Cùng đó, để giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất đá, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, các ngành cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đó là: đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm và thực hiện cảnh báo những điểm có nguy cơ sạt lở bằng các cột tiêu, biển báo; xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực tổ chức ứng cứu, khắc phục thiên tai.

Ông Chu Văn Hải, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết thêm: Giải pháp phòng, chống hiệu quả nhất là chú trọng khả năng phòng, chống lũ quét, sạt lở đất đá trong cộng đồng dân cư thông qua việc phát huy tối đa “bốn tại chỗ”, bởi vì người dân hiểu rõ nhất trong thôn, bản mình thường xảy ra những loại thiên tai gì, vào thời điểm nào.

TRÍ DŨNG