Thứ sáu,  20/09/2024

CÔNG ĐIỆN Về việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Để triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn các giải pháp phòng, chống bệnh bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 25/6/2019, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện gửi các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố. Báo Lạng Sơn giới thiệu toàn văn nội dung công điện.

Thời gian qua, cùng với cả nước các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong tỉnh đã hết sức nỗ lực, cố gắng tổ chức thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp để ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tuy nhiên, bệnh DTLCP là bệnh nguy hiểm do chưa có thuốc chữa và vắc xin phòng bệnh, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết đến 100%, vi rút có sức đề kháng cao trong môi trường, cơ chế lây lan phức tạp… Hiện nay diễn biến bệnh dịch đang tiếp tục có chiều hướng lây lan nhanh, bùng phát mạnh và nguy cơ rất cao xâm nhiễm vào các trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn tập trung dẫn đến buộc phải tiêu hủy số lượng lớn lợn bệnh trong thời gian tới.

Để triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền cấp cơ sở tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt những nội dung sau:

1.Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh. Coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức xã hội khẩn trương, kiên quyết, tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp, quyết tâm khống chế bệnh DTLCP trong thời gian nhanh nhất để sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

2.Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch với phương châm “phòng, chống dịch như chống giặc”, “phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”; chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý tiêu hủy lợn bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; hạn chế lây lan dịch bệnh, không để xảy ra ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho cộng đồng. Các cấp từ huyện, xã, thôn, các doanh nghiệp chăn nuôi và hộ gia đình phải có kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với tình hình cụ thể, đồng thời chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn sau khi bệnh dịch được khống chế. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm, thủy sản để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổ chức rút kinh nghiệm đợt phòng, chống bệnh DTLCP để chủ động phát hiện sớm, thông tin kịp thời và có biện pháp sẵn sàng phòng, chống các loại dịch bệnh khác có thể xảy ra đối với vật nuôi, cây trồng.

3.Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh, các trường hợp khai khống, không đúng về số lượng và trọng lượng lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định.

4.Tiếp tục tăng cường nội dung, thời lượng, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để mọi người dân nhận thức rõ tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của bệnh DTLCP đã và đang xảy ra đối với các hoạt động kinh tế, đời sống của nhân dân và các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống và ngăn chặn bệnh DTLCP; đồng thời thông tin kịp thời, chính xác cho người dân theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ thịt lợn sạch, tránh phát sinh những tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong xã hội, làm ảnh hưởng về kinh tế và đời sống nhân dân. Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phòng dịch, không sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn. Chủ các trang trại, hộ chăn nuôi lớn không chủ quan, tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn, đặc biệt là đàn giống để tái đàn sau khi hết dịch.

5.Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức, đồng thời chú trọng các biện pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, hiệu quả hoạt động ứng phó, phòng chống dịch bệnh của lực lượng Thú y, cán bộ cơ sở. Chủ động tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý lợn bệnh; tăng cường kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ và hướng dẫn các huyện, thành phố đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản,… để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn nhằm phục vụ tốt đời sống người dân, tạo thu nhập cho người chăn nuôi.

6.Các Sở, ban, ngành và từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh DTLCP của tỉnh tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện nội dung Công điện này tại các huyện, thành phố, đặc biệt là tuyến cơ sở./.

                                                                      CHỦ TỊCH

                                                                      Phạm Ngọc Thưởng