Thứ sáu,  20/09/2024

Bắc Sơn: Đẩy mạnh hoạt động khuyến công

– Những năm gần đây, hoạt động khuyến công ở huyện Bắc Sơn đã được triển khai có hiệu quả, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Nhờ đó, đã giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Nhận thấy trên địa bàn huyện Bắc Sơn chưa có cơ sở sản xuất nước lọc, năm 2009, chị Dương Thị Thế, thôn Hợp Nhất, xã Đồng Ý đã đầu tư máy móc và thiết bị sản xuất nước lọc tinh khiết. Tuy nhiên, lúc đó công suất chưa cao, hệ thống máy móc chưa được đầu tư bài bản, sản phẩm chỉ bán chủ yếu ở trong huyện. Đến năm 2016, được Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện và UBND xã Đồng Ý tuyên truyền, phổ biến về chương trình khuyến công địa phương của tỉnh, chị Thế đã xây dựng đề án ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất nước lọc tinh khiết Tam Hoa VIA và được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương nghiệm thu và hỗ trợ kinh phí.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thanh Bình, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn may gia công sản phẩm

Chị Thế cho biết: Tôi đầu tư nâng cấp hệ thống giàn máy móc khép kín và mua vỏ bình nước với kinh phí 320 triệu đồng, trong đó, nguồn khuyến công địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng. Từ đó, mỗi tháng, cơ sở sản xuất và tiêu thụ được 30.000 bình, đem lại doanh thu 360 triệu đồng/tháng. Nguồn hỗ trợ này đã tiếp sức cho cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm nước lọc tinh khiết của cơ sở đã có mặt ở thành phố Lạng Sơn, các huyện: Cao Lộc, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn và cả huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên).

Ngoài cơ sở sản xuất nước lọc tinh khiết Tam Hoa VIA, từ nguồn khuyến công địa phương, năm 2019, Công ty TNHH MTV Thanh Bình, thôn Minh Tiến, xã Vũ Lễ đã được hỗ trợ 130 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương để đầu tư máy may công nghiệp. Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc công ty cho biết: Công ty được thành lập từ năm 2017, hoạt động trong lĩnh vực gia công các loại túi xuất khẩu. Từ khi thành lập đến nay, trung bình mỗi tháng, công ty nhận gia công khoảng 120.000 sản phẩm, tạo việc làm cho trên 40 lao động. Thời điểm đơn hàng nhiều và chưa bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, công ty có đến hơn 100 lao động với thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng.

Được biết, thời gian qua, để triển khai các chính sách khuyến công, sau khi nhận được công văn của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương về việc xây dựng kế hoạch khuyến công, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Bắc Sơn đã có công văn gửi đến UBND các xã, thị trấn, các cơ sở công nghiệp nông thôn để đăng ký. Đồng thời, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ đề nghị hỗ trợ khuyến công đối với các cơ sở CNNT đủ điều kiện theo quy định. Các đề án khuyến công của huyện tập trung vào hỗ trợ ứng dụng máy móc sản xuất gỗ bóc, may gia công, sản xuất bánh phở, chế biến dầu lạc, sản xuất nước lọc tinh khiết, sản xuất gạch không nung…

Toàn huyện Bắc Sơn hiện có trên 40 cơ sở CNNT. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, huyện Bắc Sơn đã triển khai được 7 đề án khuyến công với tổng kinh phí trên 3,1 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 745 triệu đồng, kinh phí thu hút từ các cơ sở CNNT hơn 2,4 tỷ đồng. Trung bình cứ một đồng vốn từ Ngân sách Nhà nước thu hút 3,29 đồng vốn đầu tư của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Qua đó, đã tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương với thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương, từ năm 2016 đến nay, huyện Bắc Sơn là một trong những huyện thực hiện hiệu quả chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, năm 2018, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Bắc Sơn còn phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức tập huấn được 1 lớp về kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho 50 lượt người tham gia; lựa chọn giới thiệu sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Trong tháng 6/2021, sản phẩm dầu lạc của HTX Nông nghiệp Tuấn Hưng, thị trấn Bắc Sơn đã được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Việc được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh là cơ hội tốt để huyện Bắc Sơn cũng như là HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh, từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm dầu lạc.

Ông Hoàng Thanh Bình, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Bắc Sơn cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả cạnh tranh. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền chương trình khuyến công để các cơ sở CNNT tiếp cận với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển.

Việc chú trọng triển khai hoạt động khuyến công đã khuyến khích cơ sở CNNT trên địa bàn huyện Bắc Sơn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện huyện Bắc Sơn tiếp tục triển khai đề án khuyến công, dự kiến sẽ hỗ trợ thêm 2 đề án trong năm 2022

CẨM HÀ