Thứ sáu,  20/09/2024

Đình Lập: Cần khắc phục tình trạng người dân “thờ ơ” với dịch vụ công trực tuyến

(LSO) – Những năm qua, tại huyện Đình Lập, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) chưa đạt hiệu quả, người dân còn “thờ ơ” với dịch vụ này khi thực hiện TTHC. Trước thực tế đó, đòi hỏi các cấp chính quyền ở huyện cần có biện pháp khắc phục nhằm góp phần xây dựng chính quyền điện tử, thông minh.

Ngày 5/1/2021, có mặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (một cửa) huyện Đình Lập, chúng tôi chứng kiến rất đông người dân trực tiếp nộp và nhận kết quả giải quyết hồ sơ TTHC (bản giấy). Chia sẻ với chúng tôi, anh Dương Đình T, khu 1, thị trấn Đình Lập nói: Tôi vẫn biết là có thể nộp hồ sơ qua mạng nhưng do không biết cách thao tác, mất nhiều thời gian nên khi có nhu cầu thực hiện TTHC tôi nộp hồ sơ giấy qua Bộ phận “một cửa” huyện. Cách làm này thì tốn kém chi phí và công sức đi lại để nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Công chức Tư pháp – Hộ tịch bộ phận một cửa UBND huyện Đình Lập hướng dẫn người dân cách thức nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến

Không chỉ riêng trường hợp anh T, hiện nay, còn có rất nhiều người dân ở Đình Lập “thờ ơ” với DVCTT. Theo báo cáo tình hình thực hiện công tác kiểm soát TTHC 3 năm gần đây (2018 – 2020) của UBND huyện, toàn huyện đã tiếp nhận 39.103 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 34.263 hồ sơ theo hình thức  trực tiếp, hồ sơ giải quyết qua DVCTT rất ít, ví như, năm 2020 mới có 6 hồ sơ lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội – dân tộc. Riêng lĩnh vực tư pháp – hộ tịch, năm 2020, bộ phận “một cửa” huyện tiếp nhận và giải quyết 1.763 hồ sơ TTHC thì 100% hồ sơ đều thực hiện trực tiếp và không có hồ sơ nào thực hiện qua DVCTT… Hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ đến lộ trình và thành tích chung trong xây dựng chính quyền điện tử tỉnh.

Được biết hằng năm, UBND huyện Đình Lập đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, UBND các xã, thị trấn phối hợp thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC trên hệ thống DVCTT và một cửa điện tử. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới dừng lại ở việc chỉ đạo, UBND huyện chưa hiện thực hóa bằng việc làm cụ thể. Đặc biệt thiếu sự quan tâm tới việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ người dân tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến. Đơn cử, tại Bộ phận “một cửa” huyện thì hệ thống một cửa điện tử do UBND tỉnh trang bị từ năm 2013 đã bị hỏng, hệ thống máy vi tính cũng không có nên khó khăn cho người dân truy cập, tra cứu thông tin trực tuyến. Chị Nông Thị Hồng Thơm, Công chức Tư pháp – Hộ tịch, Bộ phận “một cửa” huyện Đình Lập cho biết: Ở đây chúng tôi còn thiếu thốn lắm, khi đến đây làm việc các phòng chuyên môn còn phải tự trang bị cho công chức thì lấy đâu ra trang thiết bị phục vụ người dân tra cứu, nộp hồ sơ TTHC qua DVCTT. Đại đa số khi đến đây, họ vẫn thường nộp trực tiếp.

Bên cạnh đó, công tác tuyên tuyền người dân thực hiện TTHC qua DVCTT còn bị xem nhẹ, chưa sâu rộng, phần lớn vẫn là lồng ghép tại các cuộc họp thôn, bản, khối phố, chứ chưa có nội dung tuyên truyền riêng lẻ. Đặc biệt là cách tuyên truyền còn mang tính hình thức, nặng lý thuyết dẫn đến người dân khó tiếp cận, không biết thao tác nên họ vẫn chọn cách nộp trực tiếp.

Ngoài ra, nguyên nhân cũng xuất phát từ việc người dân còn tâm lý  e ngại, không sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, sợ mất giấy tờ gốc khi sử dụng dịch vụ công. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng mạng, viễn thông chưa đảm bảo phủ sóng rộng khắp, gây khó khăn cho người dân truy cập, sử dụng; trình độ công nghệ của cán bộ, công chức hạn chế nên khi hướng dẫn cho người dân còn vướng mắc…

Ông Hoàng Ngọc Thảo, Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện cho biết: Để khắc phục hạn chế trên, thời gian tới, Văn phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện TTHC của người dân qua DVCTT, đặc biệt là ở mức độ 3, 4; tổ chức các lớp tập huấn, đi học tập kinh nghiệm tại các huyện ở trong và ngoài tỉnh, từ đó, nâng cao trình độ của đội ngũ công chức đầu mối TTHC để hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện TTHC qua DVCTT; chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể với tiêu chí “Đi từng xã, đến từng thôn, gõ cửa từng nhà” giúp người dân nắm bắt việc thực hiện TTHC qua DVCTT một cách dễ dàng nhất. Về phía người dân cũng cần nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các thiết bị công nghệ thông tin như: máy tính, điện thoại, máy tính bảng để tra cứu thông tin, thực hiện TTHC qua DVCTT.

Hiện nay, huyện Đình Lập có 242/245 TTHC thực hiện giải quyết qua hệ thống DVCTT và một cửa điện tử. Trong đó: 83 DVCTT mức độ 2; 77 DVCTT mức độ 3; 82 DVCTT mức độ 4.
HOÀNG HIẾU