Thứ sáu,  20/09/2024

Chứng thực chữ ký: Thuận cho dân, chặt quản lý

LSO- Từ ngày 10/4/2015, thủ tục hành chính “chứng thực chữ ký” chính thức được thực hiện. Thủ tục này bắt buộc người yêu cầu chứng thực phải có mặt, có chứng minh thư nhân dân và ký tại cơ quan chứng thực. Quy định mới này đem lại nhiều thuận lợi cho người dân và công tác quản lý của cơ quan nhà nước.

Cán bộ “một cửa” UBND phường Tam Thanh (TP Lạng Sơn) chứng thực chữ ký cho người dân

Chị Sái Hoài Thương, thôn Bình Chương II, xã Đình Lập, huyện Đình Lập đến UBND phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn làm thủ tục chứng thực chữ ký vào lý lịch cá nhân. Giấy tờ mang theo của chị gồm sơ yếu lý lịch, bản sao có chứng thực giấy chứng minh thư nhân dân. Chỉ trong vài phút, sau khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ và lãnh đạo UBND phường Tam Thanh viết xong lời chứng là thủ tục của chị đã hoàn thiện.

Thực hiện thủ tục này, chị Thương không phải về nơi cư trú là UBND xã Đình Lập xin dấu xác nhận của lãnh đạo xã như trước đây. Cùng với đó, chị chỉ bỏ ra vài nghìn đồng mua sơ yếu lý lịch, tự khai các thông tin liên quan đến bản thân rồi đến UBND phường Tam Thanh chứng thực chữ ký của mình trong sơ yếu lý lịch đó.

Chị Thương nói: “tôi thấy chứng thực chữ ký như thế này rất thuận lợi cho người dân. Đó là tôi có thể làm sơ yếu lý lịch của mình ở bất kỳ địa phương nào, không cứ phải về tận quê như trước để lấy dấu xác nhận nên không tốn công sức, chi phí, thời gian đi lại”.

Không chỉ thuận cho người dân, chứng thực chữ ký còn giúp cho việc quản lý của cơ quan hành chính nhà nước về nội dung trong giấy tờ chứng thực được chặt chẽ hơn.

Cụ thể là các giấy tờ như khai lý lịch cá nhân; giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật; giấy ủy quyền… khi có chữ ký của 1 cá nhân hoặc nhiều người thì cơ quan nhà nước chỉ chứng thực chữ ký của người khai và người ký trong giấy tờ đó thay vì phải tìm hiểu, xác nhận các nội dung ghi trong giấy tờ, văn bản.

Bà Nguyễn Thị Minh Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: từ ngày 10/4/2015 đến hết tháng 9/2015, UBND phường đã chứng thực chữ ký gần 500 trường hợp. Chứng thực chữ ký bảm bảo chặt chẽ là khi chúng tôi chứng thực bắt buộc phải có người ký trong văn bản, giấy tờ đó có mặt kèm theo chứng minh thư hoặc bản sao có chứng thực chứng minh thư của người đó. Cá nhân đó hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính xác thực của chữ ký, nội dung ghi trong giấy tờ, văn bản. Cơ quan nhà nước chỉ đưa ra lời chứng (bằng văn bản, có đóng dấu) rằng cá nhân đó đã hiểu, tự chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản và cùng ký vào giấy tờ, văn bản trước mặt lãnh đạo cơ quan cấp dấu chứng thực.

Từ khi thủ tục chứng thực chữ ký đi vào thực hiện, nhiều cá nhân khi cần xác nhận nội dung, thông tin của một loại văn bản, giấy tờ đã không cần phải về tận nơi cứ trú xin dấu mà chỉ cần đến cơ quan hành chính gần nhất chứng thực chữ ký của mình trong văn bản, giấy tờ đó. Đồng nghĩa với đó, các thông tin, nội dung trong giấy tờ văn bản được chính xác, chặt chẽ hơn bởi đã quy trách nhiệm cho cá nhân khai và ký trong giấy tờ, văn bản đó.

 “Chứng thực chữ ký” được quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch. Thủ tục chứng thực chữ ký gồm: bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực chữ ký; giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.

Bài, ảnh: MINH ĐỨC