Thứ hai,  08/07/2024

Không thể thờ ơ trước tai nạn giao thông

Ngày 10-6, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm tìm giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) sau hàng loạt các vụ TNGT nghiêm trọng gây thương vong lớn, làm chấn động dư luận xảy ra trong những ngày gần đây.

 – Ngày 10-6, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã triệu tập cuộc họp khẩn nhằm tìm giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) sau hàng loạt các vụ TNGT nghiêm trọng gây thương vong lớn, làm chấn động dư luận xảy ra trong những ngày gần đây.

Không thờ ơ, vô cảm trước TNGT nghiêm trọng

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị liên quan cần dự thảo ngay văn bản Chỉ thị của Thủ tướng chỉ đạo các địa phương về tăng cường các giải pháp ATGT, sau đó, sẽ tổ chức họp với các bộ, ngành liên quan, Ban ATGT các địa phương triển khai các nội dung cụ thể của Chỉ thị để xử lý, ngăn chặn ngay những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, lái xe cũng như phân cấp quản lý về ATGT. Chậm nhất đến ngày 25-6 phải quán triệt tinh thần của Chỉ thị để triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.

Nếu Sở GTVT không triển khai thực hiện sẽ báo cáo UBND tỉnh, tỉnh không thực hiện nghiêm túc sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý, không thể thờ ơ, vô cảm trước thực trạng đang diễn ra. Phải rà soát lại các giải pháp kiềm chế TNGT đang thực hiện đã trúng, hiệu quả và quyết liệt chưa? “Chữa cháy, phải dập lửa trước” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Để giảm thiểu các TNGT đặc biệt nghiêm trọng, cần có các giải pháp tổng thể về trước mắt cũng như lâu dài. Trước hết, các đơn vị chức năng cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện có, bổ sung, sửa đổi kịp thời theo hướng siết chặt lại các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa, áp dụng ngay các quy định đã có về kinh doanh vận tải mà lâu nay các cơ quan chức năng “bỏ ngỏ”.

Về kết cấu hạ tầng, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư các công trình giao thông cấp bách. Chỉ cho phép thi công khi công trình có phương án bảo đảm ATGT, các công trình hoàn thành cũng chỉ được phép đưa vào khai thác khi hoàn thiện hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, lưu ý việc bảo các điểm kết nối với các tuyến đường khác để bảo đảm ATGT; ngoài ra, cần rà soát và bổ sung kịp thời hệ thống đường cứu nạn, đặc biệt trên tuyến quốc lộ 1.

Chấn chỉnh cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và lái xe

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động các trung tâm sát hạch lái xe, đình chỉ ngay các cơ sở không đủ điều kiện, xác định rõ trách nhiệm các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan, báo cáo đầy đủ chi tiết các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm đến nay, xem các phương tiện được đăng kiểm như thế nào, lái xe đào tạo ở đâu, nếu đơn vị nào sai phạm sẽ cương quyết xử lý. Đồng thời, tổ chức kiểm tra sức khỏe lái xe đường dài, nếu lái xe nào không đủ sức khỏe hoặc có sử dụng chất ma túy thì loại bỏ.

Các đơn vị liên quan khẩn trương đưa ra phương án tối ưu quản lý, khai thác dữ liệu trên thiết bị giám sát hành trình, theo dõi chặt chẽ phương tiện và lái xe để cảnh báo kịp thời; kiến nghị Bộ Công an hiện đại hóa và minh bạch công tác tuần tra kiểm soát, loại bỏ tiêu cực trên đường để ngăn chặn có hiệu quả hành vi vượt tốc độ, chở quá tải trọng cho phép.

Ủy ban ATGT Quốc gia cần tăng cường công tác tuyên truyền về kế hoạch kiểm soát tốc độ sẽ được triển khai từ tháng 7 đến tháng 9 sắp tới, có sự phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương, xây dựng các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn TNGT nghiêm trọng.

Nguyên nhân ban đầu một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng

Theo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, thông tin mới nhất về kết quả điều tra tai nạn giữa Trung tâm Đăng kiểm Bà Rịa – Vũng Tầu và Phòng CSGT công an tỉnh, vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra đối với xe tải 72L-2354 là do tài xế xe này và một xe tải khác chạy cùng chiều đã có hành vi “đua xe” trên đường, chạy song song nhau, khi thấy xe máy chạy ngược chiều, tài xế này đánh tay lái, phanh gấp làm xe quay ngược lại và lao vào hai xe máy chạy ngược chiều khiến sáu người chết.

Còn vụ TNGT đối với xe khách Mai Linh vào ngày 9-6 bị lật tại đường tránh Vĩnh Điện (xã Điện Bàn, Quảng Nam) làm 3 người chết, 23 người bị thương, được xác định do tài xế chạy quá tốc độ (90km/giờ) cộng với thời gian cầm lái dài (xuất bến lúc 17 giờ ngày 8-6, thời điểm gặp nạn 7 giờ 15 phút ngày 9-6) có thể lái xe buồn ngủ, lạc tay lái dẫn đến xe bị lật nhiều vòng trước khi dừng hẳn.

Còn đối với xe khách 43S-6420 đâm vào vách núi trên đèo Khánh Lê (Khánh Hoà) thì xe mới xuất phát được 22 km, đoạn đường này cho phép chạy 30km/giờ nhưng lái xe đã rà phanh liên tục dẫn đến cháy má phanh, khả năng tài xế đã chuyển về mo (số 0) nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Đến khi má phanh không có tác dụng vì cháy phanh và lúc đó không thể dùng số để phanh được, cũng như không sử dụng phanh tay nên mới đâm vào vách đá. Thiết bị giám sát hành trình của xe không hoạt động, ngày xảy ra tai nạn cũng là thời hạn xe đến kỳ đăng kiểm. Trước đó, Trung tâm Đăng kiểm Đà Nẵng đã gửi thông báo cho chủ xe đến đăng kiểm lại trước 15 ngày. Theo hồ sơ lưu tại trung tâm này, tại lần đăng kiểm trước, xe khách 43S-6420 đã phải kiểm định đến lần thứ hai mới đạt yêu cầu vì lỗi “dây kéo phanh tay bị chùng”.

Theo Nhandan