Thứ hai,  08/07/2024

Tăng cường xử lý lái xe uống rượu, bia

LSO- Tuy không phải nguyên nhân trực tiếp song việc điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia thường khiến lái xe xử lý tình huống kém, dẫn tới các hành vi: chạy quá tốc độ; đi sai làn đường, phần đường..., từ đó gây ra tai nạn, va chạm giao thông. Nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia, lực lượng CSGT Lạng Sơn đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn (NĐC).

LSO- Tuy không phải nguyên nhân trực tiếp song việc điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia thường khiến lái xe xử lý tình huống kém, dẫn tới các hành vi: chạy quá tốc độ; đi sai làn đường, phần đường…, từ đó gây ra tai nạn, va chạm giao thông. Nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia, lực lượng CSGT Lạng Sơn đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn (NĐC).

Khoảng 15 giờ ngày 4/5/2013, tại km 56+700 quốc lộ 1A qua xã Quang Lang, huyện Chi Lăng xảy ra vụ TNGT giữa xe mô tô do ông Vy Tiến Long, sinh năm 1964, trú tại thôn Thủy Sản, xã Hòa Lạc (Hữu Lũng) điều khiển với xe mô tô do anh Nông Văn Minh, sinh năm 1979, trú tại thôn Đồng Liên, xã Hòa Sơn (Hữu Lũng) điều khiển theo hướng ngược chiều. Vụ tai nạn khiến anh Minh bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lỗi phần đường, đặc biệt, qua kiểm tra tại chỗ của lực lượng CSGT, ông Long có NĐC lên đến 0,970mg/lít khí thở. Tuy chưa gây chết người song vụ tai nạn một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia.

Kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe mô tô trên quốc lộ 1A

Theo thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia, nước ta hàng năm có tới 40% số vụ TNGT và 11% số người chết khi lưu thông trên đường có liên quan đến rượu, bia. Điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia liên quan mật thiết với vi phạm tốc độ, tránh, vượt sai quy định, đi sai phần đường… và theo đó TNGT cũng thường xảy ra. Xuất phát từ đây, Nghị định 71 do Chính phủ ban hành ngày 19/9/2012 (có hiệu lực từ 10/11/2012) đã nâng mức xử phạt hành vi vi phạm về NĐC đối với cả lái xe mô tô và xe ô tô. Theo đó, ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tạm giữ xe, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 hoặc 60 ngày. Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, Phòng CSGT, công an các huyện, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, chú trọng tuyên truyền về tác hại của việc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về NĐC. Riêng Phòng CSGT đã phát gần 1.000 tờ rơi tuyên truyền Nghị định 71 (trong đó có quy định xử phạt vi phạm về NĐC) cho lái xe, hành khách tại các bến xe, quán ăn, nhà hàng… Từ đó đã có tác động tích cực đến ý thức của người tham gia giao thông. Anh Triệu Văn Lau, lái xe Công ty Liên doanh vận tải Sơn Đức chia sẻ: Là lái xe khách đường dài, tôi tuyệt đối không uống rượu bia trong khi làm nhiệm vụ. Bởi qua được tuyên truyền và chứng kiến nhiều vụ TNGT, bản thân tôi nhận thức được rằng khi đã có hơi men thì chỉ một phút sơ sểnh tay lái sẽ không chỉ tự gây nguy hiểm cho mình mà có thể còn gây tai họa cho hành khách.

 

Cán bộ Trạm KSGT Tùng Diễn phát tài liệu tuyên truyền ATGT tại các nhà hàng dọc quốc lộ 1A

Mặc dù công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm được đẩy mạnh, song dịp Tết nguyên đán và lễ hội xuân vừa qua, trên địa bàn Lạng Sơn, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm NĐC vẫn diễn ra phổ biến, điều này góp phần làm tăng TNGT cả 3 tiêu chí trong 3 tháng đầu năm. Trước thực tế đó, Công an tỉnh đã có kế hoạch 973 ngày 7/4/2013 triển khai đợt tổng kiểm tra xe mô tô và xe chở khách, trong đó chỉ đạo Phòng CSGT Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố tập trung kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm NĐC. Thiếu tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông (TTKS) số 1 Phòng CSGT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Ban ATGT, Công an tỉnh, Phòng đã huy động tối đa lực lượng, tăng cường sử dụng phương tiện, thiết bị nghiệp vụ (máy đo NĐC) để kiểm tra, phát hiện và xử lý lái xe uống rượu, bia. Qua kiểm tra, chúng tôi đã xử phạt hơn 100 trường hợp vi phạm, mức cao nhất đối với xe mô tô là 2.500.000 đồng và ô tô là 12.500.000 đồng. Nhờ đó đã góp phần “hạ nhiệt” TNGT so với thời điểm Tết nguyên đán và lễ hội đầu năm. Đối với quốc lộ 1A, nhất là đoạn qua Chi Lăng, Hữu Lũng – nơi mà số vụ TNGT chiếm phần lớn tổng số vụ TNGT thời gian qua, các đội TTKS, trạm kiểm soát giao thông (KSGT) đã tổ chức tuần tra khép kín để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm NĐC. Đồng thời cử cán bộ trực tiếp đến các nhà hàng, quán ăn dọc quốc lộ để tuyên truyền nhân dân đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông. Đại úy Hoàng Khải Hoàn, Phó Trạm trưởng Trạm KSGT Tùng Diễn cho biết: Riêng từ 1/3 đến 10/5, Trạm xử lý gần 50 trường hợp vi phạm NĐC, trong đó nhiều trường hợp có NĐC rất cao. Để ngăn ngừa TNGT, thời gian tới cùng với tăng cường TTKS, xử lý vi phạm, Trạm sẽ xây dựng mạng lưới “thông tin viên” quanh khu vực các nhà hàng, quán nhậu để họ cung cấp thông tin về lái xe uống rượu, bia phục vụ công tác kiểm tra, xử lý.

Theo nhận định của ngành chức năng, từ tháng 4 trở lại đây, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm song nguy cơ TNGT vẫn rất cao. Trong khi ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém thì việc tập trung kiểm tra xe mô tô, xe chở khách, tăng cường xử lý vi phạm về NĐC là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần kiềm chế TNGT nhằm đạt mục tiêu “3 giảm” TNGT như Lạng Sơn đã làm được trong năm 2012.

Bài, ảnh: BẢO VY