Thứ sáu,  20/09/2024

Đột phá từ giao thông

LSO- Những năm qua, Lạng Sơn đặc biệt coi trọng việc hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 11/207 xã đạt 4 chỉ tiêu về tiêu chí giao thông; 19/207 xã đạt 3 chỉ tiêu, 19/207 xã đạt 2 chỉ tiêu; 80/207 xã đạt 1 chỉ tiêu, 78 xã vùng đặc biệt khó khăn chưa chưa đạt chỉ tiêu nào.

Lan tỏa từ những tuyến đường mới

Những năm qua, tỉnh luôn xác định phát triển giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, vì thế, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010-2014, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh đã hoàn thành đầu tư nâng cấp 265 km đường tỉnh, huyện đến trung tâm các xã. Nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện đã giúp giao thương trong vùng phát triển, tạo hiệu ứng thúc đẩy các xã làm đường.

Cụ thể vào giữa năm 2014, khi tỉnh đã cơ bản hoàn thành đầu tư tuyến đường 245 Phố Vị-Hòa Sơn-Hòa Lạc cũng là lúc một số thôn của xã Tân Thành và Hòa Lạc đẩy mạnh cứng hóa các tuyến đường trục thôn. Tháng 10/2014, theo phương thức nhà nước hỗ trợ xi măng và nhân dân tự làm, bà con nhân dân thôn Làng Cầu-Ao Kham, xã Tân Thành đã hoàn thành đầu tư con đường dài 1,3 km. Tuyến đường trục thôn đã nối trung tâm của hai xóm Làng Cầu và Ao Kham với đường tỉnh 245 đạt kết cấu theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Để làm tuyến đường này, thôn đã huy động được hơn 200 triệu đồng và 18 hộ dân hiến hơn 1.000 m2 đất mở rộng nền mặt đường. Hay tại thôn Chín Tư, xã Hòa Lạc- nơi tuyến đường 245 chạy qua, trong 2 năm 2013-2014, thôn này đã bê tông được 1,8 km đường trục xóm đạt chuẩn nông thôn mới với giá trị nhân dân đóng góp bằng tiền mặt và ngày công, hiến đất đạt gần 1 tỷ đồng.

 

Người dân thôn Chín Tư bê tông hóa đường trục thôn

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư

Ngoài huy động nguồn vốn từ ngân sách, tài trợ từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, tỉnh còn đẩy mạnh huy động các nguồn xã hội hóa để làm đường. Năm 2012, lần đầu tiên thôn Nà Bản, xã Hồng Thái, huyện Bình Gia tổ chức vận động những người con xa quê góp kinh phí để làm cầu bê tông và đường vào thôn. Kết quả, thôn đã huy động được gần 50 triệu đồng từ những người xa quê. Cùng với nguồn đóng góp của bà con trong thôn, Nà Bản đã bê tông hóa được cầu Phai Luông dài 10 mét, rộng 1 m và 200 m đường bê tông hai đầu cầu. Ngoài xã Hồng Thái, nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện huy động theo phương thức này đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị sở, ngành, doanh nghiệp của tỉnh có những cách huy động nguồn lực hiệu quả để thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Sở Giao thông – Vận tải Lạng Sơn là một điểm sáng về công tác huy động nguồn lực cho chương trình này. Trong giai đoạn 2011-2014, ngành giao thông Lạng Sơn đã đóng góp trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ các xã hoàn thành các tiêu chí. Gần đây nhất, vào giữa tháng 7/2015, ngành này tiếp tục phát động ủng hộ, kết quả có 34 doanh nghiệp và người lao động trong toàn ngành đã góp gần 1,5 tỷ đồng và 500 m3 đá để hỗ trợ xã điểm làm đường.

Với nhiều phương thức huy động hiệu quả, giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh đã bê tông hóa được gần 1.300 km đường trục thôn bản, ngõ xóm. Tổng kinh phí thực hiện gần 570 tỷ đồng, trong đó, giá trị nhân dân đóng góp đạt hơn 320 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Đại, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Lạng Sơn cho biết: mục đích phát động ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới của ngành giao thông vận tải nhằm giúp cán bộ và các doanh nghiệp thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp nguồn lực hỗ trợ không chỉ đối với xã điểm mà còn hướng tới các xã vùng sâu đang có khó khăn về đường giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Bài, ảnh: CÔNG QUÂN