Thứ năm,  19/09/2024

Ý chí vươn lên thoát nghèo của một phụ nữ

LSO-Vinh dự được báo cáo tham luận tại Đại hội đại biểu phụ nữ thị trấn Chi Lăng (huyện Chi Lăng) về cá nhân điển hình vươn lên thoát nghèo, chúng tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt chị Giáp Thị Nhung, trú tại thôn Xóm Ná. Nhưng để có được niềm vui ấy mấy ai biết được quãng thời gian vượt khó vươn lên thoát nghèo của chị.Chị Nhung tâm sự: “Từ năm 1991 chị về làm dâu nhà chồng tại thôn Xóm Ná, gia đình có 2 sào ruộng cấy một vụ nhờ vào “nước trời”, vườn đồi lại có ít, nhà có 5 nhân khẩu thì chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính. Mọi chi phí cho gia đình đều trông chờ vào hạt thóc nên gia đình năm nào cũng thiếu ăn từ 5- 6 tháng. Vợ chồng chị than thở nhà mình ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền làm nhà, vậy là 5 thành viên hàng ngày trú trong căn nhà 3 gian cũ nát, rộng 40 m2”. Thấy gia đình chị khó khăn, năm 2007, Chi hội Phụ nữ thôn đã đến sửa...

LSO-Vinh dự được báo cáo tham luận tại Đại hội đại biểu phụ nữ thị trấn Chi Lăng (huyện Chi Lăng) về cá nhân điển hình vươn lên thoát nghèo, chúng tôi cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt chị Giáp Thị Nhung, trú tại thôn Xóm Ná. Nhưng để có được niềm vui ấy mấy ai biết được quãng thời gian vượt khó vươn lên thoát nghèo của chị.
Chị Nhung tâm sự: “Từ năm 1991 chị về làm dâu nhà chồng tại thôn Xóm Ná, gia đình có 2 sào ruộng cấy một vụ nhờ vào “nước trời”, vườn đồi lại có ít, nhà có 5 nhân khẩu thì chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính. Mọi chi phí cho gia đình đều trông chờ vào hạt thóc nên gia đình năm nào cũng thiếu ăn từ 5- 6 tháng. Vợ chồng chị than thở nhà mình ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền làm nhà, vậy là 5 thành viên hàng ngày trú trong căn nhà 3 gian cũ nát, rộng 40 m2”. Thấy gia đình chị khó khăn, năm 2007, Chi hội Phụ nữ thôn đã đến sửa lại nhà cho chị để đỡ dột nát, nhưng sau khi sửa xong do nhà cũ quá nên bị sập hoàn toàn. Đang lúc không còn lối thoát, chị được UBND, Hội Chữ thập đỏ huyện Chi Lăng, các đoàn thể của thị trấn, thôn quyên góp ủng hộ tiền, nguyên vật liệu, ngày công giúp xây dựng được căn nhà cấp 4 rộng 70 m2. Chị Nhung cho biết: Sau khi có căn nhà để ở, chị luôn trăn trở suy nghĩ gia đình mình năm nào cũng thiếu ăn vài tháng, thật xấu hổ với xóm làng, chị đã bàn bạc với chồng quyết định vay 10 triệu đồng bằng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi. Từ nguồn vốn trên, chị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn, gà. Mỗi năm chị nuôi được 3 lứa lợn, mỗi năm xuất chuồng được 1 tấn lợn thịt; cùng với đó là chăn nuôi gà thả vườn, bình quân cũng bán được 4 đợt/ năm, tiền bán gà hàng năm trừ chi phí còn thu được 15 triệu đồng. Khi cuộc sống gia đình tạm đủ ăn và có dư tiền làm vốn, chị tiếp tục đầu tư phân bón để ươm giống na dai và cải tạo vườn na. Đồng thời, được Hội Phụ nữ, Hội Nông dân cho đi tập huấn chuyển giao KHKT, chị đã áp dụng ngay vào vườn cây, chuồng chăn nuôi của nhà mình. Sau nhiều năm cần cù chịu khó lao động, đến nay, mỗi năm sản phẩm gia đình chị thu được từ cây na dai, vải, nhãn khoảng 20 triệu đồng. Với quyết tâm của bản thân, gia đình và sự giúp đỡ của các đoàn thể, cuối năm 2008 gia đình chị Nhung đã thoát nghèo. Hiện nay, bình quân mỗi năm tổng thu nhập gia đình đạt trên 40 triệu đồng, chị đã mua sắm được tiện nghi phục vụ sinh hoạt trong nhà.

Thoát được cái nghèo đeo đẳng bao nhiêu năm, bằng ý chí, nghị lực và đức tính chăm chỉ làm ăn của mình, gia đình chị đã trả hết nợ ngân hàng và còn có vốn để đầu tư sản xuất vươn lên thành hộ khá giả trong xã; con cái được chăm lo học hành đầy đủ. Bản thân chị còn được chị em phụ nữ trong thôn tin tưởng bầu làm Chi hội trưởng; gia đình chị hàng năm được bình xét là gia đình văn hóa.

Xuân Hương