Thứ năm,  19/09/2024

Người mở đường vào bản

LSO-Nhìn con đường rộng bằng hai cái chiếu đôi, dài hơn 1,5 km nhiều người cứ ngỡ đấy là con đường 135 do Nhà nước mở. Nhưng không, đấy lại là con đường do người cựu chiến binh có cái tên rất “giao thông” Đường Đình Thanh bỏ tiền tự mở. Đáng kính hơn, vì ông không may mắn như mọi người bởi là người lính mang trong mình chất độc đi ô xin.Là người lính trở về địa phương thôn Nà Văng, xã Hòa Bình huyện Văn Quan sau bao nhiêu năm chiến đấu khắp các chiến trường, anh cựu chiến binh Đường Đình Thanh thấy quê mình vẫn vậy, vẫn cái nghèo đeo bám đôi chân. Gia đình anh, hàng xóm của anh ngày ngày vẫn phải men theo con đường đất đỏ rộng cỡ gang tay gánh phân, gánh nước, gánh những bó lúa trĩu vai. Rồi kinh tế phát triển, người xóm ngoài bắt đầu mua máy cày, những chiếc xe máy mới nối đuôi nhau ngược xuôi trong xã. Nhưng riêng xóm anh vẫn nghèo, con đường như một chiếc vòng kim cô siết chặt mọi cố gắng vươn lên làm giàu. Với kinh nghiệm...

LSO-Nhìn con đường rộng bằng hai cái chiếu đôi, dài hơn 1,5 km nhiều người cứ ngỡ đấy là con đường 135 do Nhà nước mở. Nhưng không, đấy lại là con đường do người cựu chiến binh có cái tên rất “giao thông” Đường Đình Thanh bỏ tiền tự mở. Đáng kính hơn, vì ông không may mắn như mọi người bởi là người lính mang trong mình chất độc đi ô xin.
Là người lính trở về địa phương thôn Nà Văng, xã Hòa Bình huyện Văn Quan sau bao nhiêu năm chiến đấu khắp các chiến trường, anh cựu chiến binh Đường Đình Thanh thấy quê mình vẫn vậy, vẫn cái nghèo đeo bám đôi chân. Gia đình anh, hàng xóm của anh ngày ngày vẫn phải men theo con đường đất đỏ rộng cỡ gang tay gánh phân, gánh nước, gánh những bó lúa trĩu vai. Rồi kinh tế phát triển, người xóm ngoài bắt đầu mua máy cày, những chiếc xe máy mới nối đuôi nhau ngược xuôi trong xã. Nhưng riêng xóm anh vẫn nghèo, con đường như một chiếc vòng kim cô siết chặt mọi cố gắng vươn lên làm giàu. Với kinh nghiệm của người lính anh biết muốn làm giàu phải có đường, nó cũng như trong chiến tranh thôi, muốn đánh lớn phải khai thông hướng chủ yếu trước. Nghĩ vậy anh bàn với gia đình quyết định mở đường. Trong bữa cơm đạm bạc, anh nói ý tưởng của mình làm cả nhà như hồ hởi hẳn lên, nhưng khi thấy anh đặt bút tính thì cả nhà tá hỏa, con đường sơ sơ gần 50 triệu. Chị nhà cứ tưởng anh có vấn đề còn mấy lần đưa tay sờ trán chồng. Nhưng anh đã quyết là làm, anh tham khảo ý kiến của anh em, cũng may mấy người anh em công tác trên tỉnh kiên quyết ủng hộ với một lời động viên: “Bác nghĩ xa thế là tốt, mình mở đường cho mình đi, dân đi thì đừng có tiếc tiền”. Mấy người hàng xóm thấy vậy cũng tình nguyện cho con đường đi qua đất nhà mình mà không nhận đền bù. Nhưng họ vẫn bán tín bán nghi: “Ông ấy chắc nói chơi thôi chứ làm gì dám…”. Thế nhưng anh đã quyết ra thị trấn thuê máy. Ngay ngày hôm sau chiếc máy DT 75 và chiếc gầu xúc rù rì vào bản làm không ít người ứa nước mắt. Máy đi đến đâu con đường hiện ra đến đấy xóa dần đi vết tích của một thôn vùng 3 đầy khó khăn. Sau hơn 10 ngày con đường đã hoàn thành. Giờ đây người dân không phải men theo con đường bé như quyển vở mở mà đường ông Thanh đã thênh thang. Ngay cả khi cán bộ phòng giao thông biết chuyện xuống khảo sát cũng không dám tin là một cựu chiến binh dám bỏ tiền làm con đường chẳng khác gì đường huyện đầu tư.

Giờ đây vào thôn Nà Văng đã trở nên thuận tiện, có đường người dân thay đổi nếp nghĩ, xe máy xuất hiện ở thôn càng nhiều, đời sống nhân dân ngày một đi lên. Riêng ông, tháng 1 năm 2011 được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tặng bằng khen vì có thành tích mở đường. Đó là niềm tự hào không chỉ của riêng ông mà là cả huyện bởi tặng bằng khen về cá nhân mở đường cả huyện lần này có mỗi mình ông.

Đông Bắc