Thứ năm,  19/09/2024

Thôn Cảo: Toàn dân hiến đất làm đường

Ông Triệu Quỳnh La, Bí thư Đảng ủy xã Vân Nham phấn khởi: vậy là giờ đây, 6/6 thôn trong xã đã có đường ô tô đến tận trung tâm thôn, đầu năm 2012 xã sẽ tập trung phân bổ xi măng cho thôn Cảo để nhân dân cứng hóa hết mặt đường, vậy là cơ bản hoàn thiện. Cách đây không lâu, theo dõi trên truyền hình, thấy nhân dân tỉnh Thái Bình tự nguyện dỡ nhà, phá tường mở rộng đường để xây dựng nông thôn mới, ngỡ như xa lắm, bao giờ mình mới làm được. Nhưng khi đến thôn Cảo mới thấy, việc ấy cũng chẳng phải hiếm. Rõ ràng là xây dựng nông thôn mới đã và đang lan tỏa đến từng người dân và đây là yếu tố quyết định để Lạng Sơn xây dựng thành công chương trình này.

LSO-Đường trục chính từ trung tâm xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng vào đến thôn Cảo như sợi dây vắt ngang qua cánh đồng. Đường hẹp đến nỗi 2 xe máy tránh nhau còn khó, bởi vậy mà từ trước đến nay, xe vận chuyển nguyên vận liệu, chở vật tư nông nghiệp, hay nhà có hiếu, hỷ thì thôn Cảo lại phải nhờ đường của thôn Toàn Tâm ở kế bên. Nói như cách ví von của một người dân thì đi vào nhà mình mà lại phải nhờ đường hàng xóm, tránh sao khỏi bất tiện. Thế rồi, vào đầu năm 2011, người dân thôn Cảo cùng chung sức, đồng lòng để khắc phục cái bất tiện ấy.
Đường vào thôn Cảo, xã Vân Nham, đã được mở rộng và chờ bê tông hóa
Anh Lưu Văn Cường, phó thôn kể: lúc mới đầu là bàn bạc trong ban lãnh đạo thôn, khi đặt vấn đề cũng có cái khó. Muốn cải tạo đường thì mỗi bên phải mở rộng chừng 2 m, kéo dài 1,5km từ cánh đồng màu mỡ, xuyên qua khu vườn đồi, đến tận cuối thôn. Như thế, tất cả 127 hộ trong thôn đều bị ảnh hưởng một phần đất, diện tích tính ra là rất lớn. Nhưng nếu không làm thì mãi mãi không có đường để đi, ngay sát trung tâm, nằm ngay cạnh trục đường 242 trải nhựa phẳng lỳ mà cứ phải đi vòng, đi nhờ thì chẳng thể nào phát triển được. Nghĩ vậy thì phải quyết tâm làm, giọng anh Cường trở nên sôi nổi: Trưởng thôn, Phó thôn rồi Ban mặt trận thôn phân công nhau từng thành viên đến trao đổi với từng gia đình, rồi tổ chức họp thôn trình bày kế hoạch để người dân cùng bàn. Cứ ngỡ sẽ khó khăn, ấy thế mà chỉ qua 2 cuộc họp, tất cả người dân đều đồng tình, thậm chí nhân dân còn góp ý, phải mua đá hộc để kè ta luy, những chỗ qua bờ ao phải gia cố cho chắc chắn để sau này còn trải bê tông… Vấn đề đưa ra hợp với lòng dân, nên việc cứ chạy băng băng. Cả thôn huy động sức người ra san đất ruộng, thuê máy xẻ đất đồi. Đường qua nhà ai, người ấy hiến ngay, dù nhà mất ít, nhà mất nhiều đất những cũng chẳng ai thắc mắc. Rồi mỗi hộ đóng góp 350.000 đồng mua đá để kè đường, cả thôn sôi nổi như chiến dịch ra quân. Nhà anh Cường, Phó thôn, đang có dự định cơi nới nơi ở, nhưng khi làm đường qua khu đất của gia đình, anh hoãn kế hoạch riêng lại, nhường cho tập thể gần 100m2 đất ở. Nhiều nhất là gia đình ông Mông Văn Sông, mất 200m chiều dài và gần 2m chiều rộng của thửa ruộng 3 vụ. Hiến gần 400m2 bờ xôi ruộng mật mà ông Sông chẳng mảy may suy tính, ông chỉ cười: việc có lợi cho thôn cho xóm thì mình đóng góp chút cũng có sao, như thế mới xây dựng được nông thôn mới. Sức mạnh nội lực từ tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng đã được phát huy. Chẳng mấy chốc con đường trục chính vào thôn Cảo đã hoàn thiện với chiều rộng gần 5m, trải dọc suốt thôn. Con đường bé tẹo năm xưa đã lùi vào quá vãng.
Ông Triệu Quỳnh La, Bí thư Đảng ủy xã Vân Nham phấn khởi: vậy là giờ đây, 6/6 thôn trong xã đã có đường ô tô đến tận trung tâm thôn, đầu năm 2012 xã sẽ tập trung phân bổ xi măng cho thôn Cảo để nhân dân cứng hóa hết mặt đường, vậy là cơ bản hoàn thiện. Cách đây không lâu, theo dõi trên truyền hình, thấy nhân dân tỉnh Thái Bình tự nguyện dỡ nhà, phá tường mở rộng đường để xây dựng nông thôn mới, ngỡ như xa lắm, bao giờ mình mới làm được. Nhưng khi đến thôn Cảo mới thấy, việc ấy cũng chẳng phải hiếm. Rõ ràng là xây dựng nông thôn mới đã và đang lan tỏa đến từng người dân và đây là yếu tố quyết định để Lạng Sơn xây dựng thành công chương trình này.

Vũ Lê Minh