Thứ sáu,  20/09/2024

Vượt lên nỗi đau "da cam"

LSO-Ông Hoàng Quang Minh, (65 tuổi) ở số 15/4, khối 8, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn bị nhiễm chất độc da cam từ những năm 60 của thế kỷ trước tại mặt trận phía Nam. Cuộc đời nghiệt ngã nhất là con và cháu của ông cũng phải mang di chứng. Tuy vậy, vượt lên nỗi đau ấy, ông quyết tâm học nghề đông y để có thể tự lo cho bản thân cũng như con, cháu của mình những khi bệnh tật. Ông Hoàng Quang Minh làm thuốc để giúp mình và giúp đời - Ảnh: Trí DũngChúng tôi đến thăm ông Minh vào những ngày đầu tháng 8/2012, trong câu chuyện của ông, những kỷ niệm chiến trường xưa cứ ùa về. Tháng 4/1964, ông là công nhân quốc phòng (thuộc Tổng đội 3, Quân khu Việt Bắc), đến tháng 9/1966, ông chuyển về đơn vị 250 Bộ binh, sau đó chuyển sang biên chế thuộc quân nhân của Bộ Tư lệnh đặc công 67. Tháng 10/1967, ông tham gia mặt trận Quảng Đà thuộc đơn vị R20. Năm 1969, khi tham gia một trận đánh địch trên địa bàn huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ông...

LSO-Ông Hoàng Quang Minh, (65 tuổi) ở số 15/4, khối 8, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn bị nhiễm chất độc da cam từ những năm 60 của thế kỷ trước tại mặt trận phía Nam. Cuộc đời nghiệt ngã nhất là con và cháu của ông cũng phải mang di chứng. Tuy vậy, vượt lên nỗi đau ấy, ông quyết tâm học nghề đông y để có thể tự lo cho bản thân cũng như con, cháu của mình những khi bệnh tật.
Ông Hoàng Quang Minh làm thuốc để giúp mình và giúp đời – Ảnh: Trí Dũng
Chúng tôi đến thăm ông Minh vào những ngày đầu tháng 8/2012, trong câu chuyện của ông, những kỷ niệm chiến trường xưa cứ ùa về. Tháng 4/1964, ông là công nhân quốc phòng (thuộc Tổng đội 3, Quân khu Việt Bắc), đến tháng 9/1966, ông chuyển về đơn vị 250 Bộ binh, sau đó chuyển sang biên chế thuộc quân nhân của Bộ Tư lệnh đặc công 67. Tháng 10/1967, ông tham gia mặt trận Quảng Đà thuộc đơn vị R20. Năm 1969, khi tham gia một trận đánh địch trên địa bàn huyện Điện Bàn (Quảng Nam), ông đã bị trúng đạn M79 và sức ép của bom nên bị thương nặng phải ra Bắc điều trị. Chiến tranh kết thúc, năm 1973, ông Hoàng Quang Minh trở về nhà mang trong mình chất độc da cam và 2 mảnh đạn. Ông chuyển ngành, làm ở cơ quan cơ khí nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn và lập gia đình. Vợ chồng ông sinh được 3 người con thì cả 3 đều bị di chứng chất độc da cam. Giọng trầm buồn, ông chia sẻ: “Khi mới sinh, chúng đã là những đứa trẻ còi cọc, sau vài năm sức khỏe của các con tôi ngày càng yếu dần, đi lại chậm chạp và trí nhớ cũng suy giảm. Nhìn con mà chúng tôi đau xót nhưng không biết làm thế nào… Vợ chồng tôi cũng đã không tiếc công sức, tiền của có được từ đồng lương ít ỏi của mình để chữa bệnh cho các con nhưng vô vọng. Sau này các con của tôi lập gia đình riêng thì các cháu của tôi cũng bị di chứng bởi chất độc da cam/dioxin…”. Trên thực tế, ngoài 3 người con, cả 5 cháu nội của ông Minh cũng đều mang di chứng.
Những vất vả và khó khăn đó không làm lung lay được ý chí của người lính đặc công Hoàng Quang Minh. Ông quyết tâm học lại nghề đông y truyền thống của gia đình, ban đầu chỉ với mục đích là chăm sóc sức khỏe cho bản thân và những người trong gia đình khi bị chất độc da cam hành hạ, sau đó ông đã mang nghề ra giúp người, giúp đời. Ông đã tham gia khám và điều trị khỏi bệnh cho rất nhiều người ở trong và ngoài tỉnh. Ông cũng tham gia điều trị bệnh cho nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mắc bệnh nan y như trường hợp của anh Nguyễn Đức Long (bị xơ gan cổ trướng), anh Trần Văn Vay (ở xã Bình Độ, huyện Tràng Định) bị rắn độc cắn gần tử vong đều được ông chữa khỏi bệnh và không lấy bất cứ một khoản tiền điều trị nào. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng Ban liên lạc Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Lạng Sơn cho biết, trong 54 hội viên nhiễm chất độc da cam của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố thì ông Minh là một trong những người có hoàn cảnh khó khăn nhất, nhưng ông đã không đầu hàng số phận mà luôn vươn lên, giúp đồng đội, giúp người nghèo.

Khuôn mặt hiền từ, nụ cười thân thiện và những sẻ chia hết sức chân thành của ông Minh về cuộc đời của mình làm chúng tôi vô cùng cảm động. Mặc dù biết rằng, đằng sau nụ cười ấy là những cơn đau mỗi khi “trái nắng trở trời”, bởi những mảnh đạn còn nằm trong cơ thể, bởi di chứng chất độc da cam/dioxin vẫn từng ngày hành hạ ông và những đứa con của ông. Tất cả nỗi đau đó không khuất phục được ông. Chia tay ông Minh ra về, lời tâm sự của ông làm chúng tôi nhớ mãi: “Chính sự bất hạnh khiến tôi sống lạc quan hơn và trái tim càng nhạy cảm, mở rộng hơn với những người có hoàn cảnh như tôi…”. Có lẽ chính sự lạc quan đó đã giúp ông không ngục ngã trước nỗi đau “da cam”.

Trí Dũng