Thứ sáu,  20/09/2024

Ông Tri làm kinh tế giỏi

LSO-Được sự giới thiệu của lãnh đạo địa phương, chúng tôi tìm đến gia đình ông Trương Kiến Tri. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi, ông Tri cho biết: ngôi nhà là một trong những thành quả quan trọng nhất mà gia đình gây dựng được từ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tạo dựng một cửa hàng tạp hoá với nhiều mặt hàng phục vụ sinh hoạt của người dân trong xã. Có được sự ổn định kinh tế như ngày hôm nay, gia đình ông đã phải trải qua nhiều khó khăn, từng bước vươn lên làm giàu. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, ông Tri chia sẻ: năm 1990, ông chính thức bắt tay vào làm kinh tế. Khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương như diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng rừng rộng, gia đình ông đã vay vốn đầu tư trồng 3ha hồi và 2ha mía. Ban đầu do ông còn thiếu kinh nghiệm nên cây hồi phát triển chậm, mía cho năng suất không cao những vụ đầu tiên thường phải bù lỗ. Dần dần,...

LSO-Được sự giới thiệu của lãnh đạo địa phương, chúng tôi tìm đến gia đình ông Trương Kiến Tri. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi, ông Tri cho biết: ngôi nhà là một trong những thành quả quan trọng nhất mà gia đình gây dựng được từ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, gia đình ông còn tạo dựng một cửa hàng tạp hoá với nhiều mặt hàng phục vụ sinh hoạt của người dân trong xã. Có được sự ổn định kinh tế như ngày hôm nay, gia đình ông đã phải trải qua nhiều khó khăn, từng bước vươn lên làm giàu. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, ông Tri chia sẻ: năm 1990, ông chính thức bắt tay vào làm kinh tế. Khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương như diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng rừng rộng, gia đình ông đã vay vốn đầu tư trồng 3ha hồi và 2ha mía. Ban đầu do ông còn thiếu kinh nghiệm nên cây hồi phát triển chậm, mía cho năng suất không cao những vụ đầu tiên thường phải bù lỗ. Dần dần, ông tích luỹ được kinh nghiệm qua thực tiễn sản xuất và học hỏi các mô hình, ông đã biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chỉ sau vài năm, thu nhập từ cây mía đã mang lại cho gia đình một số vốn nhất định. Có vốn, ông Tri mở rộng diện tích đất, đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Rút kinh nghiệm từ việc trồng trọt kém hiệu quả trước đây, lần này khi bắt tay vào chăn nuôi ông đã chủ động tìm hiểu kỹ hơn về tất cả quy trình, kỹ thuật chăn nuôi để đạt hiệu quả cao nhất. Có thời điểm ông Tri có đến cả trăm con lợn thịt, đem lại thu nhập từ 50-70 triệu đồng/ năm.
Năm 2000, ông Tri nhận thấy nhu cầu của thị trường về gạch ba banh ở trong và ngoài xã rất cao, cộng với lực lượng lao động trẻ ở địa phương khá nhiều, bên cạnh việc trồng trọt, chăn nuôi, ông quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất gạch quy mô khép kín. Dây chuyền được đưa vào vận hành đã giải quyết việc làm cho số lao động nông nhàn, có thời điểm lên tới gần 100 công nhân trực tiếp tham gia vào việc khai thác đá xây dựng, vận hành dây chuyền sản xuất gạch ba banh cũng như vận chuyển tới từng hộ gia đình có nhu cầu mua gạch. Mỗi năm, trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu lãi từ 100-150 triệu đồng, đồng thời tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân từ 1,5-2 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Đình Độ, Chủ tịch UBND xã Trùng Quán cho biết: gia đình ông Tri là một trong những hộ gia đình làm kinh tế mang lại hiệu quả cao nhất của xã. Bên cạnh sự cần cù, ham học hỏi để phát huy những tiềm năng thế mạnh của địa phương vào sản xuất nông nghiệp thì ông còn là người tiên phong đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra ông còn thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho bà con có nhu cầu học hỏi mô hình phát triển kinh tế của ông, góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi công cuộc xoá đói giảm nghèo, sớm hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đình Quyết