Thứ sáu,  20/09/2024

Người chi hội trưởng phụ nữ vươn lên làm kinh tế giỏi

LSO-Phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi nhỏ lẻ kết hợp với dịch vụ đã và đang là hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả đối với đời sống phụ nữ các dân tộc trong tỉnh, trong đó có chị em phụ nữ xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia. Thông qua mô hình trên, nhiều hội viên đã tự mình vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Chị Hoàng Thị Thảo, ở thôn Phai Danh là một trong những tấm gương như thế. Chị Thảo sắp xếp các mặt hàng bán tại quầy dịch vụ của gia đìnhSinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nên chị Thảo luôn thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của một gia đình nghèo. Vì thế chị luôn tìm cách để đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho các con ăn học. Song, do điểm xuất phát thấp, tài sản lớn nhất mà gia đình chị có được là 4 sào ruộng và ít đất rừng lại không có vốn sản xuất, để xây dựng mô hình kinh tế rất là khó. Nhưng với suy nghĩ chăn nuôi...

LSO-Phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi nhỏ lẻ kết hợp với dịch vụ đã và đang là hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả đối với đời sống phụ nữ các dân tộc trong tỉnh, trong đó có chị em phụ nữ xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia. Thông qua mô hình trên, nhiều hội viên đã tự mình vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Chị Hoàng Thị Thảo, ở thôn Phai Danh là một trong những tấm gương như thế.
Chị Thảo sắp xếp các mặt hàng bán tại quầy dịch vụ của gia đình
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nên chị Thảo luôn thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của một gia đình nghèo. Vì thế chị luôn tìm cách để đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho các con ăn học. Song, do điểm xuất phát thấp, tài sản lớn nhất mà gia đình chị có được là 4 sào ruộng và ít đất rừng lại không có vốn sản xuất, để xây dựng mô hình kinh tế rất là khó. Nhưng với suy nghĩ chăn nuôi nhỏ lẻ, tích dần nguồn vốn, năm 2007 qua tổ chức Hội Phụ nữ chị được vay 7 triệu đồng, từ nguồn vốn trên chị đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi lợn nái. Trong quá trình chăn nuôi, chị đã tích cực học hỏi cách chăm sóc lợn con nên đàn lợn nhà chị luôn khỏe mạnh, mỗi năm xuất chuồng 4 lứa lợn con, mỗi lứa từ 10 – 12 con, cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, với 4 sào ruộng, gia đình chị cấy 2 vụ lúa, cho thu hoạch trên 1 tấn thóc, đủ cung cấp lương thực cho gia đình và thức ăn cho gia súc, gia cầm. Thêm nữa, trên diện tích rừng của gia đình, chị còn trồng được khoảng 200 cây hồi, đến nay đã cho thu hoạch. Chị Thảo chia sẻ: Ban đầu khi mới bắt tay vào làm kinh tế, tôi cũng lo lắm, nhưng được sự động viên của người thân trong gia đình, cán bộ hội phụ nữ, tôi đã thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nghe đài, đọc báo, thăm các mô hình kinh tế tiêu biểu… nhằm trang bị cho mình những kiến thức mới, cách thức áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó, tôi vận dụng vào điều kiện cụ thể của gia đình mình một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, với lợi thế nhà ở gần trung tâm xã, trường học, để tăng thêm nguồn thu nhập, với ít vốn dành dụm được từ chăn nuôi lợn, chị Thảo mở cửa hàng dịch vụ nhỏ, bán bánh kẹo, văn phòng phẩm và đồ dùng phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho bà con làng xóm. Nhờ tham gia các buổi sinh hoạt hội, chị được tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng những loại hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hay hết hạn sử dụng có hại đến sức khỏe con người, nhất là đối với các cháu học sinh. Vì thế, chị Thảo luôn tự giác loại bỏ các loại bánh kẹo đã hết hạn sử dụng, đảm bảo sức khỏe cho bà con. Do đó, cửa hàng nhà chị đã giữ được chữ tín, thu hút đông đảo các cháu học sinh và bà con đến mua; mỗi năm từ tiền bán hàng cho thu nhập trên 20 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, chị Dương Thị Kim Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoàng Văn Thụ cho biết: Cùng với nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, chị Thảo còn là Ủy viên BCH Hội Phụ nữ xã, hiện là Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ thôn Phai Danh, chị luôn tích cực gương mẫu tham gia các hoạt động, phong trào của hội. Hiện nay, tuy hoàn cảnh còn khó khăn, nhưng mỗi khi có hội viên gặp khó khăn về vốn, kinh nghiệm sản xuất, gặp rủi ro ốm đau, chị Thảo luôn dành nhiều thời gian quan tâm, động viên kịp thời bằng vật chất, tinh thần giúp các hội viên vượt qua khó khăn trước mắt, tiếp tục vươn lên ổn định cuộc sống. Còn trong cuộc sống gia đình chị Thảo luôn phát huy tốt vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình. Vì vậy, những năm qua chị luôn đạt danh hiệu 3 tiêu chuẩn phong trào thi đua của hội, nhiều năm liền gia đình chị đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Có thể khẳng định, bằng sự cần cù, không ngại khó ngại khổ, kinh tế gia đình chị Thảo ngày một khá lên, bình quân mỗi năm trừ các chi phí, thu nhập từ mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình được khoảng 60 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Thảo còn thường xuyên giúp đỡ các hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn về kiến thức, vốn để chị em cùng vươn lên phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Trung Xuân