Thứ năm,  19/09/2024

Người đưa quýt Bắc Sơn về Lân Nứa

LSO-Cách khu dân cư thôn Nam Lân I, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng khoảng 4km có một thung lũng nhiều nứa mọc tự nhiên nên người dân địa phương vẫn quen gọi là Lân Nứa. Nhưng nhiều năm nay, vườn quýt gần 1000 cây của ông Lương Văn Lập (thôn Nam Lân I) đã lấn át rừng nứa nơi đây. Và sẽ không quá nếu giờ gọi đây là Lân Quýt… Ông Lương Văn Lập bên vườn quýt của gia đìnhĐiều đặc biệt, giống quýt ông Lập trồng chính là quýt đặc sản Bắc Sơn nổi tiếng lâu nay. Có thể nói, việc đem giống cây đặc sản của một vùng khác về trồng tại địa phương mình là một quyết định rất táo bạo. Bởi lẽ để trồng được và nhất là có hiệu quả kinh tế thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thổ nhưỡng, khí hậu, thị trường. Tuy nhiên, ông Lập đã không quản ngại xa xôi nhiều lần đến tận huyện Bắc Sơn để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăm sóc giống quýt đặc sản này, từ đó mua về trồng thử. Tín hiệu đáng mừng là sự phát triển...

LSO-Cách khu dân cư thôn Nam Lân I, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng khoảng 4km có một thung lũng nhiều nứa mọc tự nhiên nên người dân địa phương vẫn quen gọi là Lân Nứa. Nhưng nhiều năm nay, vườn quýt gần 1000 cây của ông Lương Văn Lập (thôn Nam Lân I) đã lấn át rừng nứa nơi đây. Và sẽ không quá nếu giờ gọi đây là Lân Quýt…
Ông Lương Văn Lập bên vườn quýt của gia đình
Điều đặc biệt, giống quýt ông Lập trồng chính là quýt đặc sản Bắc Sơn nổi tiếng lâu nay. Có thể nói, việc đem giống cây đặc sản của một vùng khác về trồng tại địa phương mình là một quyết định rất táo bạo. Bởi lẽ để trồng được và nhất là có hiệu quả kinh tế thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thổ nhưỡng, khí hậu, thị trường. Tuy nhiên, ông Lập đã không quản ngại xa xôi nhiều lần đến tận huyện Bắc Sơn để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăm sóc giống quýt đặc sản này, từ đó mua về trồng thử. Tín hiệu đáng mừng là sự phát triển của nó tại đây không khác gì nơi trồng đặc sản. Trên cơ sở ấy, ông quyết định đầu tư có quy mô hơn. Năm 2004, ông bắt tay trồng 600 cây đầu tiên, đến năm 2006, ông trồng thêm gần 300 cây. Những lứa quýt đầu đã cho thu hoạch 3 năm qua. Trong chuyến thực tế hồi tháng 9/2012, chúng tôi được tận mắt chứng kiến vườn quýt sai trĩu quả của gia đình ông, nhiều cành tuy nhỏ nhưng sai quả, chủ vườn phải dùng cây chống đỡ cho khỏi gẫy. Đưa chúng tôi đi tham quan khắp thung lũng quýt, ông Lập phấn khởi chia sẻ: năm ngoái, sai ít hơn nhưng đã thu về trên 30 triệu đồng; năm nay chắc phải gần 50 triệu đồng. Với nhà nông, thu nhập này là không hề nhỏ, ấy là chưa kể đến khoản thu từ chăn nuôi và các nông sản khác.

Được biết, gia đình ông Lương Văn Lập, thôn Nam Lân I trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã Y Tịch. Nhưng nhờ chịu khó phát triển kinh tế, nhất là mạnh dạn đưa giống quýt đặc sản về trồng, đời sống vật chất của gia đình đã nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, những gian nan để được như ngày nay thật khó nói hết. Trước đây, Lân Nứa chỉ là một thung lũng hoang sơ, cây cối rậm rạp. Hơn thế, thung lũng cách nhà ông những 4km, mà chỉ có thể đi bộ, vì chủ yếu là đường nhỏ, dốc và cả đoạn đường đèo lởm chởm đá. Tuy nhiên, ròng rã cả năm trời, ông cùng gia đình cặm cụi đến khai phá, mở mang diện tích trồng trọt. Cùng với đó, để có tiền mua giống cây, năm 2004, ông đã bàn bạc với vợ con vay ngân hàng 6 triệu đồng (qua kênh Hội Nông dân xã). Ngoài ra, để lấy ngắn nuôi dài, ông còn trồng xen ngô ở giữa các hàng cây (cũng là tiện chăm sóc quýt). Cứ có biểu hiện lạ ở cây mà chưa rõ nguyên nhân là ông chủ động tìm cách phòng bệnh cho cây trồng. Vì thế, vườn quýt gia đình ông luôn phát triển tốt. Đến nay, có thể nói rằng công sức của ông và gia đình đã được đền đáp. Hiện trong vườn nhà ông có gần 1000 cây quýt Bắc Sơn, năm nay hứa hẹn mùa bội thu. Ông Lương Xuân Tới, Chủ tịch Hội Nông dân xã Y Tịch đánh giá: ông Lập là một hội viên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Không chỉ tích cực chăn nuôi mà gia đình ông còn mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, ông là người đầu tiên đưa giống quýt đặc sản Bắc Sơn về trồng tại địa phương. Nhờ cần cù, chịu khó và ham học hỏi nên vườn quýt của gia đình ông rất phát triển, 3 năm nay đã cho thu hoạch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này.

Hoàng Huấn