Thứ năm,  19/09/2024

Người trở về từ bom đạn chiến tranh

LSO-Sinh năm 1950, mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi, ở với ông bà, năm 16 tuổi, ông Trương Văn Kiểm (thôn Nà Nùng, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc) tình nguyện đăng ký lên đường nhập ngũ. Có lẽ tuổi thơ vất vả và những ngày tháng chiến đấu gian khổ nhưng hết sức oanh liệt trên chiến trường là những ký ức mà cả đời ông không thể nào quên. Hàng ngày, vào những lúc rảnh rỗi, ông thường kể lại cho con cháu nghe, để chúng nhìn vào đó mà tự hào, mà trân trọng, từ đó phấn đấu học tập tốt, lao động hết mình để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông. Ông Trương Văn Kiểm thăm nom, chăm sóc vườn thôngÔng vẫn nhớ như in ngày 16/6/1967, ông và những thanh niên khác lên đường vào chiến trường miền Nam, tham gia chiến đấu ở mặt trận 44, bắc Quảng Nam Đà Nẵng. Ngày 22/12/1969, tại bán đảo Sơn Trà, cảng Đà Nẵng, quân ta nổi dậy tiến công, đánh vào sào huyệt của địch. Ông được đơn vị phân công đóng vai thiếu úy, lái xe Jeep,...
LSO-Sinh năm 1950, mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi, ở với ông bà, năm 16 tuổi, ông Trương Văn Kiểm (thôn Nà Nùng, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc) tình nguyện đăng ký lên đường nhập ngũ. Có lẽ tuổi thơ vất vả và những ngày tháng chiến đấu gian khổ nhưng hết sức oanh liệt trên chiến trường là những ký ức mà cả đời ông không thể nào quên. Hàng ngày, vào những lúc rảnh rỗi, ông thường kể lại cho con cháu nghe, để chúng nhìn vào đó mà tự hào, mà trân trọng, từ đó phấn đấu học tập tốt, lao động hết mình để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông.
 
Ông Trương Văn Kiểm thăm nom, chăm sóc vườn thông
 
Ông vẫn nhớ như in ngày 16/6/1967, ông và những thanh niên khác lên đường vào chiến trường miền Nam, tham gia chiến đấu ở mặt trận 44, bắc Quảng Nam Đà Nẵng. Ngày 22/12/1969, tại bán đảo Sơn Trà, cảng Đà Nẵng, quân ta nổi dậy tiến công, đánh vào sào huyệt của địch. Ông được đơn vị phân công đóng vai thiếu úy, lái xe Jeep, trà trộn vào hàng ngũ của địch để đặt bộc phá. Sau khi địch phát hiện, nổ súng, 2 đồng đội đi cùng ông lúc đó đã trúng đạn và hy sinh. Còn ông bị 3 viên đạn bắn xuyên qua người nhưng vẫn may mắn lái xe thoát ra khỏi chỗ đó và được cứu chữa kịp thời.
 
Sau khi chữa trị vết thương, ông Kiểm xuất ngũ, trở về địa phương. Là thương binh 4/4, việc đi lại khó khăn, nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, đảm nhận vai trò xã đội trưởng. Hàng ngày, ông vẫn tham gia tuần tra, bảo vệ sự bình yên của thôn, xóm. Nhận thấy nhu cầu về vật liệu xây dựng của bà con trong xã, ông đã huy động anh em, người thân góp vốn, mở một xưởng sản xuất gạch ngói, tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương. Năm nay đã ở tuổi ngoài 60, sức khỏe suy giảm, việc đi lại càng trở nên khó khăn hơn, nhưng ngày ngày ông Kiểm vẫn giúp các con trông nom nhà cửa, tuyên truyền, vận động hội viên cựu chiến binh nêu cao tinh thần gương mẫu, xây dựng và phát triển mô hình kinh tế của gia đình, chi hội. Mặc dù là thôn vùng 3, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều khó khăn nhưng Nà Nùng đã có rất nhiều hội viên năng động trong phát triển kinh tế. Nảy sinh ý tưởng trồng rừng, vừa phủ xanh đồi trọc vừa mang lại giá trị kinh tế cao, ông đã tham mưu cho Chi hội cựu chiến binh thôn Nà Nùng trồng 2,5 ha rừng thông với khoảng 3.000 gốc. Đến kỳ thu hoạch, ông đã chủ động liên hệ, tìm thị trường tiêu thụ nhựa thông. Năm đầu tiên, rừng thông cho khai thác và đem lại doanh thu 16 triệu đồng. Năm nay là năm thứ hai, rừng thông hứa hẹn cho hiệu quả cao hơn. Đây là một trong những mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu của xã Hợp Thành, được nhiều thôn khác đến học hỏi, nhân rộng. Với niềm tự hào đó, hàng ngày ông vẫn cùng với anh em đồng đội thăm nom, chăm sóc đồi thông. Còn xưởng gạch ngói, ông giao lại cho người con trai cả tiếp quản và đến nay đã phát triển thành công ty trách nhiệm hữu hạn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 30 lao động địa phương.

Ông Lương Tài Chính, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc cho biết, ông Kiểm là một hội viên cựu chiến binh gương mẫu, nhiệt tình tham gia công tác hội, có nhiều ý kiến, sáng kiến đóng góp cho sự phát triển của hội. Tiêu biểu như mô hình kinh tế trồng rừng thông của chi hội. Vừa xây dựng ý tưởng, ông Kiểm vừa giới thiệu khách để khai thác nhựa thông khi đến tuổi thu hoạch. Ông xứng đáng là một tấm gương sáng cho các hội viên cũng như thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Ngọc Hiếu