Thứ sáu,  20/09/2024

Thành công của những nữ giám đốc

LSO-Tuy là “phái yếu”, thế nhưng những hợp tác xã (HTX) do phụ nữ làm giám đốc trên địa bàn tỉnh lại hoạt động khá hiệu quả. Đặc biệt hơn là HTX còn trở thành điểm sáng trong lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh.
Bà Hằng bên sản phẩm ống cống bê tông của HTX Tiến Đạt, Lộc Bình

Giữa những khó khăn chung của KTTT, nhiều HTX đã phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, nhiều mô hình HTX do phụ nữ làm giám đốc đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Trong số đó phải kể đến HTX Như Ý, huyện Bắc Sơn. Với doanh thu năm 2013 đạt 35 tỷ đồng, HTX Như Ý đã trở thành một trong những HTX có doanh thu cao nhất tỉnh trong lĩnh vực KTTT. Bà Bùi Như Ý, Giám đốc HTX cho biết: để có được kết quả như ngày hôm nay, HTX đã trải qua không ít khó khăn. Được thành lập từ năm 2003 với 8 thành viên, HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh nguyên liệu thuốc lá, chất đốt.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của mình, bản thân bà Ý cùng các thành viên trong HTX đã từng bước vượt qua những khó khăn ban đầu về vốn, thị trường thu mua cũng như đầu ra cho sản phẩm. Doanh thu của HTX tăng đều qua từng năm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định đã tạo công việc thường xuyên cho thành viên cũng như lao động trong HTX với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Ghi nhận những kết quả đó, bản thân bà cùng HTX Như Ý đã nhận được bằng khen, giấy khen của Liên minh HTX vì những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực KTTT.

Tuy không tạo ra doanh thu lớn như HTX Như Ý nhưng với HTX Tiến Đạt, huyện Lộc Bình, việc tạo công ăn việc làm cho người lao động cùng với việc chung tay vào giữ gìn vệ sinh môi trường mới là mục đích chính mà HTX hướng đến. Bà Lưu Thúy Hằng, Giám đốc HTX chia sẻ: Thành lập năm 2002 với 7 thành viên, HTX Tiến Đạt hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực làm vệ sinh môi trường trên địa bàn thị trấn Lộc Bình. Vừa làm, vừa tích lũy vốn, kinh nghiệm, đến nay, HTX đã có 38 người bao gồm cả thành viên và người lao động tham gia vào công việc dọn vệ sinh môi trường ở địa điểm khác nhau gồm thị trấn Lộc Bình, thị trấn Na Dương, trung tâm Cửa khẩu Chi Ma, xã Tú Mịch và xã Yên Khoái.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, một mặt các thành viên trong HTX không ngừng học hỏi những đơn vị cùng lĩnh vực có kinh nghiệm, mặt khác bà đã huy động nguồn vốn trong các thành viên để đầu tư trang thiết bị nhằm phục vụ tốt nhất cho công việc dọn vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, HTX còn chủ động nghiên cứu thị trường để mở rộng hoạt động sang lĩnh vực vật liệu xây dựng, kinh doanh bến bãi trên địa bàn thị trấn Lộc Bình. Thu nhập của thành viên và người lao động trong HTX tăng đều qua từng năm. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của HTX đạt từ 3-7 triệu đồng/người/tháng.

Với trên 80% thành viên và người lao động trong HTX là chị em phụ nữ nên bên cạnh các công việc thường ngày, bản thân bà Hằng luôn quan tâm, chia sẻ những khó khăn, động viên và tìm cách giúp đỡ. Từ đó, người lao động rất yên tâm, gắn bó để cùng xây dựng HTX ngày một phát triển.

Không chỉ 2 HTX kể trên mà trên địa bàn tỉnh, một số HTX khác do phụ nữ làm giám đốc cũng đã có những bước phát triển ổn định. Theo số liệu từ Liên minh HTX, toàn tỉnh hiện còn khoảng 90 HTX duy trì hoạt động, trong đó số HTX có nữ làm giám đốc hoạt động hiệu quả hiện nay là 10 HTX cùng hàng nghìn tổ hợp tác do chị em phụ nữ làm tổ trưởng. Ông Vy Kim Truyền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: các HTX do nữ làm giám đốc tuy ít nhưng phát triển từng bước chắc chắn và đạt kết quả khá cao. Thành công của những HTX do nữ làm giám đốc là kết quả của nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển. Những mô hình này cần được nhân rộng, từ đó sẽ mở thêm cơ hội cho lĩnh vực KTTT của tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay.

ĐÌNH QUYẾT