Thứ năm,  19/09/2024

Làm giàu từ trồng cây đào cảnh

LSO-Tháng 12 này tôi có dịp đến thăm ông Lành Văn Kiều, một cựu chiến binh làm giầu từ trồng cây đào cảnh ở thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. Với nước da nâu, tác phong nhanh nhẹn, cởi mở, bộc lộ một con người năng động trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Những năm gần đây, bằng phát triển trồng cây đào cảnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Vườn đào của ông được trồng khoa học, hệ thống thoát nước đảm bảo, cây nào cũng được cắt tỉa đẹp, vươn lên xanh tốt.
Ông Lành Văn Kiều chăm sóc cây đào cảnh

Sinh ra và lớn lên ở thôn Đồi Chè, năm 1982, tròn 23 tuổi mặc dù đang công tác ở Công ty Lâm sản, nhưng nghe theo tiếng gọi của đất nước, anh Kiều đã lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Năm 1985, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh chuyển về công tác ở Công ty Cầu đường 3. Năm 1990, anh sang chuyển công tác tại Hội CCB thị xã Lạng Sơn (nay là thành phố Lạng Sơn). Năm 1996, do hoàn cảnh gia đình, anh xin về địa phương. Ngày mới về, cuộc sống gia đình khó khăn nên anh thật vất vả, 5 nhân khẩu, cả nhà chỉ trông chờ  vào 6 sào đất trồng rau mầu và gieo cấy lúa, lao động vất vả nhưng cũng không đủ ăn. Nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, thấy điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với trồng đào, hơn nữa những năm gần đây nhu cầu người chơi cây đào cảnh ngày một nhiều, đặc biệt là trong dịp tết nguyên đán nên anh đã chuyển diện tích trồng ngô, lúa sang trồng đào. Lúc đầu trồng hai sào trên đất bãi, sau 3 năm bán thâý có hiệu quả. Năm 2001 anh đã đầu tư trồng tiếp 4 sào ruộng. Hầu hết các giống đào do anh tự sưu tập ở các huyện trong tỉnh như: Văn Quan, Tràng Định, Cao Lộc và thậm chí tại tỉnh Sơn La… 

Hiện nay, gia đình ông Kiều đã trồng được 1.500 cây đào các loại; hàng năm từ bán đào cảnh, gia đình ông thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Vụ Tết Giáp Ngọ vừa qua ông thu nhập 500 triệu đồng. Hoa đào của ông rất nhiều chủng loại đẹp như bích đào, bích nhung, đào phai, đào bạch, hoa đơn, hoa kép được khách hàng ưa chuộng, đào cảnh của ông không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh, mà còn vươn ra cả thị trường Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt. Ông cho biết: Trồng đào không vất vả mà hiệu quả kinh tế có thể gấp từ 15-20 lần so với cấy lúa. Về kỹ thuật trồng đào không khó, nhưng phải chọn thời điểm phù hợp, thường phải trồng vào mùa xuân, tốt nhất sau tết nguyên đán, còn từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, trồng cây đào ra nhiều nhựa dễ bị chết. Cách trồng cây đào cảnh: cuốc hố rộng khoảng 30 x 30 cm, cho phân chuồng ủ mục xuống hố trước khi trồng, lượng phân vừa phải, vì cây đào là loại cây có nhiều dễ tơ, nếu cho nhiều quá không tốt, khoảng cách mỗi cây từ 1,5 m – 1,8 m, cây đào không ưa nhiều nước, nếu trồng ở ruộng phải khơi thông hệ thống thoát nước tốt, khi cây cao 65-70 cm phải đốn ngọn, tỉa cành chỉ để 3-5 hoặc 7 cành, các cành cao từ 10-15 cm tiếp tục cắt tỉa, cứ thế sau 3 năm thì sẽ được một cây đào cảnh đẹp.

Bằng thu nhập từ trồng đào cảnh, ông đã xây được nhà 2 tầng, mua sắm đầy đủ các phương tiện phục vụ cho gia đình và nuôi 3 con ăn học chu đáo. Với những kinh nghiệm trồng đào của mình, trong những năm qua, ông đã phổ biến nhiều kiến thức, kỹ thuật trồng đào cho bà con trong thôn. Đến nay, đã có trên 20 hộ gia đình trong thôn trồng đào cảnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn là một hội viên cựu chiến binh tích cực, gia đình nhiều năm đạt gia đình văn hoá, xứng đáng là một tấm gương cho nhiều người học tập.

LA NAM (Hội Nhà báo tỉnh)