Thứ năm,  19/09/2024

Đất cằn “tỏa hương”

LSO-Từ mảnh đất cằn cỗi đá, sỏi một thời, những tưởng không có loại cây nào có thể sống nổi, thì nay nhờ đôi tay, khối óc, sự cần cù lao động mà mảnh đất cằn bỗng “tỏa hương”, đem lại nguồn thu nhập cao. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Văn Báo, thôn Tự Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng.
Ông Báo chăm sóc vườn cây của gia đình

Chúng tôi tìm đến thôn Tự Nhiên, gặp ông Nguyễn Văn Báo, Bí thư chi bộ thôn, đồng thời là người góp công làm giàu cho mảnh đất nơi đây. Trên con đường dẫn vào thôn gồ ghề những đá, sỏi xung quanh lại là những vườn cây trái xanh um, tươi tốt cho thấy người dân nơi đây rất cần cù chịu khó. Nhà ông Báo tọa ngay giữa một vườn cây nào bưởi, nào cam đang độ trổ hoa, ra quả, hương hoa bưởi phảng phất thơm dịu khiến bao mệt mỏi trong ngày như tan biến.

Tiếp chúng tôi, ông Báo vui vẻ chia sẻ: Mảnh đất này bây giờ khác xưa nhiều lắm rồi nhà báo ạ, để có được cơ ngơi như hiện tại, tôi đã trải qua bao khó khăn, vất vả. Nhớ lại câu chuyện năm xưa, lúc mới khởi nghiệp, ông kể: tôi sinh năm 1957, sinh ra và lớn lên ở Hà Tây (nay là Hà Nội), đến năm 1977, theo tiếng gọi của Đảng, tôi đi làm kinh tế mới ở xã Nhật Tiến. Lúc tôi mới lên đây, xung quanh toàn núi đá, đất dưới chân thì cằn cỗi, bạc màu đến cây cỏ còn khó mọc chứ đừng nói trồng cây ăn quả.

Bằng tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ thấy khó không nản, quyết tâm khởi nghiệp ở chính nơi đây, ông dựng tạm căn nhà để ở, ngày ngày ra sức làm lụng hết trồng ngô, trồng lúa rồi thì đỗ tương…, nhưng do đất đã bạc màu, lại thiếu nước sản xuất, mất mùa triền miên nên đến khi thu hoạch chẳng được bao nhiêu, cái nghèo, cái đói cứ quẩn quanh. Trước đây đã bao người đến rồi lại bỏ đi, còn ông vẫn bám trụ lại mong có ngày đất này sẽ nuôi sống gia đình và đưa cuộc đời ông sang một trang khác, khấm khá hơn. Nghĩ được vậy, ông bắt đầu suy tính mình phải tìm một hướng đi mới, chứ cứ làm thế này mãi chẳng khá lên được, làm cũng như không.

Từ đó, ông đi các nơi tìm hiểu, học hỏi cách thức phát triển kinh tế từ những mô hình phù hợp, tập trung vào trồng cây ăn quả. Tích lũy được kinh nghiệm nhất định, ông quay về tiến hành cải tạo đất vườn, nhặt bỏ từng viên đá, chăm bón cho đất màu mỡ. Ban đầu ông chỉ trồng na, một thời gian sau, được sự giới thiệu của các thương lái rằng điều kiện thổ nhưỡng ở đây có thể trồng được cây bưởi Diễn, năm 2002, ông bắt đầu mang cây bưởi Diễn về trồng. Lúc mới đầu, ông trồng 20 cây thử nghiệm, nhận thấy cây phát triển tốt, trồng sau hơn 3 năm thì cho quả, lại dễ tiêu thụ, giá bán thời điểm đó là 10 – 12 nghìn đồng/quả, năm 2006, ông mạnh dạn đầu tư trồng thêm 60 cây. Với 80 gốc bưởi Diễn đang có, theo giá thị trường hiện giờ trung bình 20 nghìn đồng/quả, mỗi cây cho gần 100 quả, giúp gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ông nói:  “một cây bưởi Diễn cho thu nhập bằng cả 1 tấn thóc”.

Không dừng lại ở đó, thấy quỹ đất còn nhiều, ông tiếp tục tìm hiểu về một số cây trồng khác, đưa giống cam đường canh về trồng trên diện tích 1,2 mẫu, hiện đang bói quả. Cùng đó, gia đình ông còn trồng thêm 4 sào cây táo đại, ông cho biết: nếu sai quả có thể cho đến 1 tạ quả/cây, với vườn táo này, mỗi vụ cho 3 tấn quả, theo giá bán buôn tại vườn 15 – 20 nghìn đồng/kg thì đây là một nguồn thu nhập đáng kể. Từ việc phát triển mô hình trồng cây ăn quả, trừ chi phí, thu nhập của gia đình đạt hơn 200 triệu đồng/năm, góp phần cải thiện cuộc sống. Kinh tế ổn định, ông còn hướng dẫn các hộ khác trong thôn cùng học tập mô hình này, đến nay, thôn Tự Nhiên đã là một vườn cây trái xanh ngút tầm mắt, nhà cửa khang trang xung quanh như điểm xuyết thêm cho khu vườn.

Từ sự cần cù chịu khó, thấy khó không nản và nghị lực vươn lên, luôn sẵn sàng học hỏi, đến nay, ông Báo đã được đền đáp xứng đáng, thu nhập ổn định, cuộc sống được nâng cao. Từ mảnh đất cằn cỗi nay đã “tỏa hương” thơm ngát.

THANH TÙNG