Thứ sáu,  20/09/2024

Người thương binh làm kinh tế giỏi

LSO-Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, không ngại gian khó, thương binh Dương Công Tuyến, thôn Nà Riềng I, xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn đã vươn lên bằng chính sức lao động của mình.

Ông Dương Công Tuyến chăm sóc đàn ngựa bạch của gia đình

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở xã Quỳnh Sơn, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 2 năm 1964 ông Dương Công Tuyến tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào lực lượng Công an vũ trang Lạng Sơn. Sau đó tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm đỏ lửa, trong trận đánh này ông bị thương nặng với tỷ lệ thương tật 48%. Đến tháng 12/1982, ông rời quân ngũ về địa phương.

Trở về đời thường, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách, trong khi ông lại là thương binh hạng 3/4 suy giảm về sức khỏe, những công việc nặng nhọc không gánh vác được. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng, thu nhập thấp, hằng năm gia đình thường xuyên thiếu lương thực. Nhưng với nghị lực của người “thương binh tàn nhưng không phế”, ông đã quyết tâm học tập và lao động để xứng đáng với danh hiệu anh bộ đội Cụ Hồ. Sau nhiều năm canh tác lúa, ngô và trồng thuốc lá thấy hiệu quả kinh tế không cao, ông đã mạnh dạn trồng thử 200 cây quýt, sau 6 năm cây sinh trưởng và phát triển tốt cho thu hoạch tương đối ổn định. Từ đó gia đình đã tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay vườn quýt vàng của ông Tuyến đã có hơn 500 cây, mỗi năm cho thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng.

Với nguồn thu nhập ổn định từ cây quýt, theo ông Tuyến, để phát huy hiệu quả kinh tế nông nghiệp, thì cần phải kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi. Sau khi tìm hiểu kinh nghiệm về chăn nuôi ngựa bạch, ông thấy rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Ban đầu với 1 cặp ngựa bạch giống, đến năm 2003 ông mạnh dạn đầu tư vườn bãi và chuồng trại để tăng đàn, hiện nay đàn ngựa của gia đình ông đã có 13 con, trị giá hơn 400 triệu đồng. Ông Tuyến cho biết: “Sau nhiều năm nuôi ngựa bạch, tôi thấy đây là loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Một con ngựa bạch trưởng thành thường có giá từ 50-70 triệu đồng, trong khi 1 con trâu, con bò chỉ có giá từ 15-20 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc cần chú ý công tác phòng chống dịch bệnh, chuồng phải khô ráo, thức ăn phải sạch, không ướt nếu không ngựa sẽ bị đau bụng, chướng bụng và bỏ ăn”.

Cùng với trồng quýt và chăn nuôi ngựa bạch, gia đình đã trồng gần 300 cây cam đường Canh bắt đầu cho thu hoạch, ngoài ra còn chăn nuôi thêm gà đẻ trứng, gà thương phẩm và 1 ao thả cá rộng 6 sào. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ cây ăn quả và chăn nuôi đạt hơn 260 triệu đồng. Đánh giá về mô hình phát triển kinh tế của hội viên cựu chiến binh Dương Công Tuyến, ông Dương Đình Đoan, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Sơn cho biết: “Trong những năm qua, đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế của hội viên đạt hiệu quả, trong đó điển hình có mô hình kinh tế của hội viên cựu chiến binh Dương Công Tuyến kết hợp chăn nuôi và trồng trọt đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là một mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế của Hội Cựu chiến binh trong xã đáng để mọi người học tập và làm theo”.

Ngoài việc chăm lo cuộc sống gia đình, ông Dương Công Tuyến luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ năm 2010 đến nay, ông vinh dự được nhân dân trong thôn bình bầu là người có uy tín và được công nhận gia đình văn hóa nhiều năm liền.

PHƯƠNG THẢO